'Hai con đường, hai khác biệt'

'Hai con đường, hai khác biệt'

Nhà nghiên cứu Phật học và vận động cho nhân quyền, tự do tôn giáo Võ Văn Ái nói về sự khác biệt giữa Hòa thượng Thích Nhất Hạnh và một số hòa thượng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong quan hệ với chính quyền và đảng cộng sản Việt Nam từ sau năm 1975 tới nay.

Theo nhà hoạt động từ Paris, Hòa thượng Nhất Hạnh đã có con đường đi riêng khác biệt về bản chất với con đường của một số vị lãnh tụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ sau năm 1975 tới nay, mặc dù dường như điểm chung của hai con đường ấy tới nay đều có một kết quả là chưa được sự 'chấp nhận' của chính quyền Việt Nam.

Ông Võ Văn Ái nói:

"Trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất dưới quyền lãnh đạo tối cao của ngài Huyền Quang và Quảng Độ có bao giờ mà nhà nước chấp nhận đâu, từ đầu tới cuối.

"Năm 1977, họ kết án hai ngài mấy năm tù, rồi từ đó trở về sau họ giải giới về quản thúc ở miền quê Thái Bình và Quảng Ngãi của hai ngài, chưa bao giờ, không bao giờ có một sự tiếp cận nào hết.

"Mà chỉ có những kiến nghi bên phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất, là một Giáo hội dân lập và truyền thừa có 2.000 năm lịch sử.

"Còn bên phía tiếp cận của Hòa Thượng Nhất Hạnh thì nó khác, nó không giống, nó không đại biểu cho lập trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

"Đó là chuyện có tính chất cá nhân của pháp môn Làng Mai, nó không đại biểu cho phật tử Việt Nam và cũng không đại biểu cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

"Trường hợp của Hòa thượng Nhất Hạnh có thể gọi là sự tiếp cận với nhà nước Việt Nam, cái đó đưa tới sự thất bại như chúng ta thấy.

"Còn trong trường hợp của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất không hề có sự tiếp cận.

"Gần đây, khi đức Tăng thống Thích Quảng Độ tiếp bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, ngài cũng tuyên bố rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là giáo hội duy nhất đối lập với Đảng Cộng sản và không chấp nhận Đảng Cộng sản.

"Là bởi vì cái đó đi ngược với giáo lý từ bi, trí tuệ của Đạo Phật," nhà hoạt động dẫn lời Hòa thượng Quảng Độ, nói.

'Vắt chanh bỏ vỏ'?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một lần đồng chủ trì trai đàn bình đẳng chẩn tế ở Sài Gòn khi về thăm Việt Nam.

Nhà vận động nhân quyền và tự do tôn giáo đề cập vụ việc Hòa thượng Thích Nhất Hạnh và tăng đoàn Làng Mai đã bị nhà nước Việt Nam phản ứng thông qua vụ hàng trăm tăng sinh và giáo thọ của Làng bị chính quyền trục xuất ra khỏi Tu viện Bát Nhã ở tỉnh Lâm Đồng hồi tháng 9/2009, chỉ một năm sau khi Thiền sư Nhất Hạnh có liền ba chuyến về nước hoằng pháp trong các năm 2005, 2007 và 2008.

Ông Võ Văn Ái đưa ra bình luận vụ Bát Nhã nguyên nhân gây gián đoạn quan hệ giữa Làng Mai và chính quyền Việt Nam:

"Trong từ ngữ mà người Việt hay nói gọi là 'vắt chanh bỏ vỏ' đó, thực ra Hòa thượng Nhất Hạnh đã có đơn xin với Bộ Văn hóa Hà Nội xin về từ năm 2000, và ông đã đưa tất cả những bài mà ông sẽ thuyết pháp cho Bộ văn hóa xem, thoạt đầu họ có hứa hẹn gì đó, nhưng đến phút chót, họ không cho về.

"Nhưng năm 2005 thì họ cho về là bởi vì lúc đó Việt Nam bị đặt vào trong danh sách CPC (các quốc gia gây lo ngại đặc biệt), thành ra danh sách đó làm phiền nhà nước cộng sản lắm, thì nhà nước cộng sản mới dùng chiêu bài để rút tên mình ra khỏi danh sách CPC bằng hai sự kiện".

Và nhà hoạt động đề cập việc Hòa thượng Nhất Hạnh được cho phép về thăm Việt Nam và thuyết giảng về phật giáo và giáo lý Làng Mai, cũng như việc nhà nước cho thả tự do một số ít nhân vật Phật giáo được cho là trực tiếp hay gián tiếp liện hệ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước 1975.

Trong số đó, theo ông Võ Văn Ái, có hai vị đã bị kết án tử hình từ năm 1988 là Thượng tọa Tuệ Sỹ và Thượng tọa Trí Siêu (tức Thiền sư, Giáo sư Lê Mạnh Thát) và chính quyền tổ chức một hội thảo về Phật giáo Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.

"Tất cả những cái đó để chứng minh cho Hoa Kỳ biết rằng không hề có đàn áp Phật giáo, và khi mà họ làm xong nhiệm vụ, khi mà Tổng thống (George W.) Bush đến Hà Nội cuối năm 2006, vào tháng 11, để dự Hội nghị APEC, thì món quà mà Tổng thống Bush đem về là rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC.

"Khi đã làm xong công tác thành công, thì họ không cần đến người mà họ dùng trước nữa, 'được cá thì quên nơm', 'được chim thì quên ná', thành ra khi họ dùng xong rồi, thì họ không xem là gì cả, vì nếu họ tiếp tục, thì pháp môn Làng Mai sẽ phát triển từ từ ở trong nước, và điều đó Đảng Cộng sản không có thích.

"Bởi vì họ không tôn trọng tôn giáo, thành ra khi họ dùng xong việc, thì họ bỏ thôi, có gì đâu, đấy là vấn đề rất dễ hiểu," nhà nghiên cứu Phật học và hoạt động nhân quyền nêu quan điểm.

Mời quý vị theo dõi phần đầu cuộc trao đổi gồm hai phần giữa BBC với nhà nghiên cứu Phật học từ Paris, Pháp, tại đây.