Làng Mai - một di sản 'tranh cãi'?

Làng Mai - một di sản 'tranh cãi'?

Nhà nghiên cứu Phật học Võ Văn Ái từ Paris nêu quan điểm về di sản của Hòa thượng, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Làng Mai.

Theo nhà vận động nhân quyền và tự do tôn giáo này, mặc dù giáo pháp Làng Mai đã đang thu hút được một số lượng đông đảo nhất định người theo, nhưng về thực chất, các dòng giáo lý mà Làng Mai xiển dương như "Tiếp hiện", hàm chứa những yếu tố "gây tranh cãi".

Ông Võ Văn Ái nêu quan điểm:

"Công trình của Hòa thượng Nhất Hạnh đang làm hiện nay đối với Làng Mai, tôi thấy nó chưa có xứng hợp được như phong trào Trấn hưng Phật Giáo vào đầu thế kỷ XX."

'Là một thực tế'

Về việc Làng Mai thu hút được đông đảo thiền sinh, tăng sỹ, phật tử quốc tế đi theo tu tập pháp môn của mình, nhà hoạt động bình luận:

"Cái đó là một thực tế, tôi nghĩ hiện nay trong giai đoạn toàn thế giới chứ không phải riêng Việt Nam, sống trong một cuộc khủng hoảng về tinh thần và văn hóa, tất nhiên con người nào cũng hướng tới hướng thiện, thì người ta tìm cầu một cái gì mới mẻ và có thể thích nghi được với đời sống tâm linh, đời sống tâm hồn của con người...

"Hoa Kỳ ví dụ bây giờ có những phái thờ viên đá mà cũng thu phục hàng trăm nghìn người, thì tôi thấy lúc này cái đó chỉ có thể hiểu được qua sự thiếu vắng về đời sống tinh thần và đời sống văn hóa, nó đang gây một cuộc khủng hoảng lớn trong thế giới.

"Tất nhiên trong giai đoạn đó, ai cũng tìm cầu một cái gì mới, và bất cứ người ta tiếp cận được cái gì mới, thì người ta đến thôi.

"Nhưng mà sự đông đảo đó nó không chứng minh được cái phẩm chất của một phong trào.

"Bây giờ muốn đánh giá cái đó, phải tìm hiểu về vấn đề giáo lý của đạo Phật qua các thời kỳ, và xem rằng phẩm chất của Hòa thượng Nhất Hạnh nó có đáp ứng được đời sống tâm linh của con người nói chung và người Việt Nam nói riêng hay không.

"Thế còn nhìn vào số lượng, thì bây giờ Giáo hội Phật Giáo ở Việt Nam của nhà nước quy tụ đến 40 nghìn tăng ni là đông lắm đấy chứ, nhưng mà sự quy tụ đó có nói lên được phẩm chất của Phật giáo Việt Nam hay không? Đấy là vấn đề", ông Võ Văn Ái nói với BBC.

Mời quý vị theo dõi tiếp phần II và cũng là phần kết cuộc trao đổi giữa BBC với nhà nghiên cứu và nhà hoạt động tôn giáo tại đây.