Động cơ gì thanh tra các ngành chủ chốt?

Trụ sở Thanh tra Chính phủ

Nguồn hình ảnh, vietq.vn

Chụp lại hình ảnh,

Thanh tra Chính phủ nói đã phát hiện, kiến nghị thu hồi hơn 51 nghìn tỷ đồng năm ngoái.

Chính phủ Việt Nam vừa công bố sẽ tiến hành thanh tra nhiều bộ ngành quan trọng và các địa phương trong nước trong năm 2015, trong lúc có các câu hỏi được đặt ra về lý do, chất lượng và cách thức thanh tra.

Hôm 23/01, Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã công bố kết quả 'thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng' trong năm 2014 và kết hoạch năm 2015, theo truyền thông trong nước.

Cơ quan này cho hay 'đã phát hiện vi phạm' và 'kiến nghị thu hồi' về cho ngân sách nhà nước trên 51 nghìn tỷ đồng Việt Nam trong năm ngoái, đồng thời cho hay sẽ tiến hành thanh tra với nhiều cơ quan bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, địa phương trong năm 2015.

"Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo v.v... cùng 20 địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Ninh Thuận v.v.." sẽ được thanh tra theo kế hoạch, Thời báo Kinh tế Việt Nam cho hay hôm 23/01/2015.

Bình luận với BBC về con số 51.583 tỷ đồng và kế hoạch thanh tra các cơ quan, tổ chức, bộ ngành, địa phương nói trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói:

"Rất nhiều các chuyên gia mà trong đó có cá nhân tôi cũng cho rằng con số này vẫn còn nhỏ so với tổng số thất thoát ra của nhà nước từ ngân sách trong năm qua.

"Đặc biệt các thất thoát này từ việc đầu tư công, cũng như là từ các doanh nghiệp và các tập đoàn và các tổng công ty của nhà nước. Và tình hình trong suốt mấy năm qua, chúng ta đều thấy là nó rất bí bét và làm ăn rất kém hiệu quả.

"Trong đó có lãng phí, có tham nhũng, thì 51 nghìn tỷ này vẫn chưa phản ánh đúng tình hình được dư luận rất quan tâm...

"Tôi nghĩ rằng khi thanh tra cái này, người ta quan tâm là sẽ phát hiện những vấn đề gì, từ đấy có thể có những cái cung cấp cho những nhu cầu của dư luận về việc công khai minh bạch không chỉ đối với lĩnh vực dân dụng mà cả đối với những lĩnh vực quốc phòng, mà người ta cho rằng đấy là những địa phận, hay những lãnh thổ mà không thể thanh tra được.

"Lần này Thanh tra Chính phủ đã đặt vấn đề như vậy, tôi không hiểu rằng có thu được kết quả gì hay không, nhưng dự luận rất quan tâm vấn đề này.

"Bởi vì liệu không biết có phải do sức ép của việc trước khi Đại hội 12 này hay không, hay là chỉ là một kế hoạch thông thường của Thanh tra Chính phủ đặt ra hàng năm hay thôi."

'Không dễ nắn số liệu'

Thanh tra Việt Nam

Nguồn hình ảnh, chat luong vn

Chụp lại hình ảnh,

Thanh tra Chính phủ nói năm ngoái đã xử lý tăng 14,3% số đơn thư tiếp nhận được so với 2013.

Hôm thứ Sáu, Giáo sư Nguyễn Đình Cử, người từng đứng đầu nhóm điều tra về tham nhũng do Ban Nội chính, trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức vào năm 2005 nói với BBC về quan hệ giữa thanh tra định kỳ, theo kế hoạch và thanh tra đột xuất, bất thường.

Về khả năng xảy ra các hiện tượng 'làm sạch sổ sách' hay 'nắn chỉnh số liệu' trước khi được thanh tra theo kế hoạch, ông Cử nói:

"Tôi nghĩ cái đấy cũng có thể xảy ra, nhưng cũng bằng các biện pháp nghiệp vụ thì người ta cũng có thể phát hiện được những cái mà gọi là 'làm sạch sổ sách', cũng có những biện pháp nghiệp vụ chứ không phải là muốn làm thế nào thì làm...

"Tất nhiên người ta cũng có thể làm việc nọ việc kia để đối phó với thanh tra, nhưng mà không thông báo đến nơi thì có thể người ta chưa chuẩn bị được tất cả những tài liệu, số liệu cần đến.

"Người ta cũng cần phải có kế hoạch, bởi vì chẳng hạn như anh đến thì tôi cũng còn phải ở nhà, chứ bây giờ bất thình lình anh đến tôi lại không ở nhà, thì vẫn phải cần có kế hoạch và tôi nghĩ là người ta không thể thay đổi được tất cả mọi sự thật."

Giáo sư Cử cũng đề cập vai trò của thanh tra độc lập và cho rằng theo quy định của Việt Nam thì chưa có các tổ chức thanh tra độc lập được tham gia giám sát các cơ quan công quyền, các bộ ngành.

Ông nói: "Theo tôi thì không có thanh tra độc lập nào khác ngoài thanh tra của nhà nước, như giám sát thì có giám sát nhà nước...

"Ở Việt Nam có kiểm toán độc lập, theo tôi đấy cũng là một hình thức kiểm tra xem công việc có được trung thực hay không, chứ còn thanh tra thì ở Việt Nam chỉ có thanh tra nhà nước thôi.

Giáo sư Cử cũng bình luận về khoảng cách giữa những gì Thanh tra Nhà nước phát hiện được và những sai phạm, thất thoát trên thực tế.

Ông nói: "Hàng năm người ta cũng công bố đã thanh tra bao nhiêu vụ, phát hiện bao nhiêu, thu hồi bao nhiêu, thì người ta đều công bố cả.

"Còn việc hết thì theo tôi không thể hết được, bởi vì thanh tra thì cũng không phải là thanh tra tất cả, mà nó chỉ làm mẫu, điểm thôi.

"Cái mà người ta phát hiện vẫn là tảng băng nổi thôi, chứ không phải là tất cả toàn bộ tảng băng, cái đấy ngay từ phương pháp cũng thấy là không thể phản ánh được rồi."

'Tai mắt nhân dân nhiều'

Bà Hiền Đức nói có thể sẽ báo cáo với Bộ trưởng Công an về những vụ dân tố cáo bị công an hành hung.
Chụp lại hình ảnh,

Bà Hiền Đức nói có thể sẽ báo cáo với Bộ trưởng Công an về những vụ dân tố cáo bị công an hành hung.

Hôm 23/01, thông báo của Thanh tra Chính phủ cho hay trong năm 2014, cơ quan này đã xử lý 18.939 đơn thư, trong tổng số 19.319 đơn thư đã tiếp nhận.

"Tăng 14,3% so với năm 2013, trong đó có 4.752 (chiếm 25%) đơn đủ điều kiện xử lý, 3.769 đơn khiếu nại và 317 đơn tố cáo", tờ VnEconomy trích thuật thông báo của Thanh tra Chính phủ cho hay.

Bình luận với BBC hôm thứ Sáu, bà Lê Hiền Đức, công dân chống tham nhũng của Việt Nam và là người từng được nhận giải thưởng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nói:

"Từ khi ông Huỳnh Phong Tranh lên (nắm chức Tổng Thanh tra Chính phủ), tôi đã có nhiều tiếp xúc với anh ấy nhiều lần, trong các buổi hội thảo và ý kiến, thì cũng có nhiều thay đổi.

"Nhưng mà chưa đạt yêu cầu. Chưa đạt tức là dân vẫn cứ lay lứt, dưới đẩy lên mà trên đá xuống, chính vì vậy tôi vẫn phản ánh rằng 'dân tôi trở thành quả bóng', còn nhiều chuyện lắm phải giải quyết.

Về thanh tra với các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành và địa phương trong năm 2015, bà Lê Hiền Đức cho rằng không riêng với các ngành như công an, tòa án và kiểm sát, mà tất cả các bộ, ngành quản lý nhà nước nói chung đều cần phải được thành tra.

Bà nói: "Tất cả các ngành theo tôi đều phải thanh tra hết vì ở đâu cũng có cái sai, còn thanh tra từng bước như thế nào, đó là việc của các anh ấy, nhưng vẫn phải theo dõi tiếp tục và lên tiếng, chứ không bao giờ được dừng lại.

"Như hôm 21/01 này, những người đến thăm gia đình ông Trần Anh Kim (cựu trung tá quân đội, cựu tù nhân chính trị vừa ra tù và đang bị quản chế) đã bị đánh đập, tất cả việc này tôi sẽ làm việc với đồng chí Bộ trưởng Công an sắp tới đây.

"Tôi sẽ đề nghị đồng chí Bộ trưởng gặp tôi và đề nghị kiểm tra những gì, lúc đó tôi sẽ đặt vấn đề lên bàn đồng chí.

"Ngoài ra, hiện nay có khoảng sáu, bảy Giám đốc Công an các tỉnh, thành, Thiếu tướng, đại tá giám đốc Công an các tỉnh làm ăn rất láo, trùm tham nhũng, ... thì tất cả những cái này, tôi đang thu thập tài liệu để đặt lên bàn Bộ trưởng.

"Còn về Thanh tra Chính phủ, hiện nay vẫn chờ đợi xem Thanh tra Chính phủ làm đến đâu đã và nhân dân vẫn theo dõi, tai mắt nhân dân vẫn còn nhiều lắm," bà Hiền Đức nói với BBC.