Ông Trọng sẽ mang thông điệp gì tới Mỹ?

Ông Trọng sẽ mang thông điệp gì tới Mỹ?

Nhận định về thông điệp mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể mang tới Hoa Kỳ trong chuyến thăm được dự kiến năm nay, Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Canada nêu quan điểm:

"Tôi nghĩ rằng cả ông Obama và ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không nói điều gì quan trọng vì ông Obama sắp rời khỏi chính trường vào năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng cũng rời khỏi chính trường vào năm 2016.

"Tôi không nghĩ rằng có gì quan trọng trong vấn đề đó. Vấn đề là ai sẽ là chủ Nhà Trắng vào năm 2016 và ai sẽ là người lãnh đạo cao nhất và có nhiều quyền lực nhất ở Việt Nam vào năm 2016.

"Thì lúc đó chúng ta mới biết được hướng của Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đi tới đâu và tốc độ thay đổi, cải cách thể chế ở Việt Nam đi như thế nào.

"Còn ở giai đoạn hiện tại, tôi nghĩ rằng có những thỏa thuận cao lắm là chỉ tới cấp của ông John Kerry và ông Phạm Bình Minh mà thôi, chứ ngoài ra không có thông điệp nào hơn được nữa."

Theo nhà quan sát, vấn đề chính trong chuyến đi này không chỉ nằm ở 'thông điệp' nào mà nhà lãnh đạo Đảng của Việt Nam mang tới Mỹ, mà còn nằm ở ngay chính việc hai quốc gia nay có thể nói chuyện với nhau qua.

Ông Vũ Đức Khanh nói tiếp:

"Bà Lauretta Sanchez (dân biểu Mỹ) đã nói (với phóng viên của BBC) rằng không có lý do gì để ngăn cản ông Trọng tới Hoa Kỳ vì chúng ta là những người có thể nói chuyện được với nhau, dù chúng ta không có cùng quan điểm."

Quan điểm người Mỹ

Nhà quan sát từ Canada nhân dịp này cũng nói về quan điểm của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam, mặc dù mới đây đã có một bản diễn văn của Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, tái đề cập cuộc chiến Hoa Kỳ với nhiều lời lẽ được cho là 'gây sốc' hay khá 'nặng nề'.

Luật sư Khanh nói:

"Bài diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng tuy rằng nó hơi bị sốc, cái đó rất là nặng trong bối cảnh có một sự gần gũi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập bang giao giữa hai nước, thì làm cho có nhiều người hơi bị sốc, hơi bị bỡ ngỡ.

"Nhưng mà sự sốc và sự bỡ ngỡ đó sau khi chúng ta suy nghĩ lại là một chuyện rất bình thường.

"Cho nên lời phát biểu của ông Đại sứ (Mỹ tại Việt Nam) Ted Osius với hãng thông tấn AFP đã nói rất rõ rằng người Mỹ không có quan trọng vấn đề quá khứ, người Mỹ dù có tôn trọng quá khứ và hồi tưởng về quá khứ để nhìn những bài học của quá khứ, nhưng người Mỹ [đặt sự] quan trọng ở hiện tại và tương lai.

"Người Mỹ đang có chính sách tái cân bằng và chuyển trục sang châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, cho nên người Mỹ sẵn sàng bước qua quá khứ, cho dù quá khứ đó có đau buồn, có chia rẽ đến bao nhiêu chăng nữa, người Mỹ vẫn có thể tiến về phía trước.

"Và người Mỹ tin tưởng rằng một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và thịnh vượng, tôn trọng nhân quyền và pháp trị là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ. Đó là quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

"Và quan điểm đó cũng được chia sẻ bởi những nhà lập pháp của Hoa Kỳ," nhà quan sát nói với BBC hôm 09/5/2015.

Mời quý vị theo dõi phần đầu cuộc trao đổi giữa BBC với Luật sư Vũ Đức Khanh, người cũng là Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada, tại đây.