'Safari Phú Quốc nên minh bạch'

Bò sừng dài là một những loài thú được Safari Phú Quốc nhập về vào tháng 11/2015

Nguồn hình ảnh, Vingroup

Chụp lại hình ảnh,

Bò sừng dài là một những loài thú được Safari Phú Quốc nhập về vào tháng 11/2015

Một nhà hoạt động về quyền động vật lên tiếng đòi Safari Phú Quốc tổ chức họp báo mời các bên liên quan để làm rõ những cáo buộc về thú chết hàng loạt tại vườn thú này.

Vinpearl Safari Phú Quốc, vườn thú bán hoang dã mới khai trương vào cuối năm 2015 tại tỉnh Kiên Giang, mới đây đã bị một chuyên gia sở thú cáo buộc có hàng trăm động vật có vú bị chết, hàng trăm khỉ và chim đã trốn thoát vào đảo.

Hôm 26/2, trao đổi với BBC từ TP Hồ Chí Minh, bà Hồng Hoàng, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), đối tác chính của tổ chức WildAid, nói: “Cuối năm 2015, khi hay tin Vingroup mở vườn thú Safari, tôi đã quan ngại rằng họ là doanh nghiệp chuyên làm bất động sản thì làm sao có chuyên môn quản lý sở thú và đảm bảo phúc lợi động vật, cũng như quy trình nhập khẩu thú của họ ra sao.

Khi có tin về thú chết hàng loạt ở Safari Phú Quốc, tuy không có điều kiện đến hiện trường điều tra, nhưng việc Vingroup công bố những con số thú chết, thú xổng chuồng tiền hậu bất nhất, người ta có lý do để tin là có điều gì không ổn đang diễn ra ở đây."

"Trong bối cảnh các tổ chức NGO về phúc lợi động vật đang bày tỏ quan ngại, tôi cho rằng Vingroup nên tổ chức họp báo mời các bên liên quan để đưa ra số liệu, bằng chứng rõ ràng, để làm sáng tỏ những cáo buộc về thú chết hàng loạt tại vườn thú này," bà nói thêm.

Bà cũng cho biết: "Các vườn thú tại Việt Nam thường không được đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng, quy cách vận chuyển cũng như phúc lợi động vật luôn bị xem nhẹ. Có thể là họ chủ quan làm bừa nên mới có chuyện thú chết.

Mặt khác, việc thực thi pháp luật liên quan đến vườn thú, động vật, môi trường còn lỏng lẻo cũng là nguyên do khiến doanh nghiệp không đầu tư bài bản cho dự án sở thú của họ."

Bà kêu gọi người dân nên tìm hiểu về phúc lợi động vật để tham gia phản biện trước những dự án như Safari Phú Quốc để doanh nghiệp phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và thiên nhiên khi triển khai dự án, nhất là tại khu vực rừng quốc gia.

'Lý do an ninh'

Hôm 25/2, trang cá nhân của một số phóng viên, facebooker cập nhật diễn biến của vụ Safari Phú Quốc đã bị đóng không rõ lý do.

Cùng thời điểm, một trang fanpage chuyên thu thập thông tin của cộng đồng mạng về Safari Phú Quốc cũng đóng cửa “vì lý do an ninh”.

Vinpearl Safari cho biết họ nhập thú từ Mỹ, châu Âu và Nam Phi

Nguồn hình ảnh, Facebook Vinpearl Safari

Chụp lại hình ảnh,

Vinpearl Safari cho biết họ nhập thú từ Mỹ, châu Âu và Nam Phi

Hôm 24/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phát đi báo cáo do phó giám đốc Hoàng Văn Tuấn ký cho hay “đàn tê giác 14 con được Safari Phú Quốc đưa về từ vườn thú Mỹ Quỳnh ở Long An. Công ty đang làm thủ tục xin nhập tê giác ở nước ngoài theo quy định pháp luật”.

Ngoài ra báo cáo cũng khẳng định trong số 108 con thú được xác nhận bị chết tại vườn thú này “không có các động vật quý hiếm như sư tử, hổ, báo và tê giác. Ban giám đốc Vinpearl Safari Phú Quốc cam kết không có dấu hiệu động vật chết do dịch bệnh. Toàn bộ động vật chết được xử lý theo đúng quy định”.

Bà Vũ Thanh Thủy, Phó phòng Truyền thông Tập đoàn Vingroup (quản lý Safari Phú Quốc) trong email trả lời BBC Tiếng Việt hôm 20/2 chỉ thừa nhận có "hơn 100 cá thể gồm chim và thú chết do ảnh hưởng của quá trình vận chuyển dài, do chưa thích nghi được với môi trường, thổ nhưỡng và khí hậu".

Bà nói, so với khoảng 3.000 cá thể được nuôi tại công viên này thì đó chỉ là "tỷ lệ tổn thất tất yếu tại bất cứ một khu bảo tồn nào và những nơi vừa đưa vào vận hành như Safari Phú Quốc".

Safari Phú Quốc có tổng diện tích 500ha, nằm ngay trong khuôn viên Rừng Quốc gia Phú Quốc.

Website vườn thú cho biết họ dự kiến đón khoảng 8.000 lượt khách/ngày.