'Obama không gay gắt về nhân quyền VN'

Chuyến đi của Tổng thống Obama đến Việt Nam sẽ diễn ra từ 22 -25/5

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chuyến đi của Tổng thống Obama đến Việt Nam sẽ diễn ra từ 22 -25/5

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải từ trường Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Queensland (Úc) trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt trước thềm chuyến thăm lịch sử này:

  • Trong bài phát biểu của ông Daniel Russel thông báo các vấn đề sẽ thảo luận trong chuyến đi của Tổng thống Obama, có nhắc đến vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam. Nhưng song song với việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí là vấn đề nhân quyền, vậy trong cuộc gặp gỡ này giữa ông Obama và Việt Nam, ông dự đoán liệu hai vấn đề này sẽ được thảo luận và đi đến đâu?

Trước tiên phải nói rõ từ đầu rằng nhân quyền là một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ từ hàng thập kỷ nay. Với tất cả các nước, kể cả các nước đồng minh, Mỹ cũng đều đánh giá về nhân quyền ở nước đó cả. Chỉ có điều khác là Mỹ sẽ áp dụng chính sách nhân quyền với các nước như thế nào thôi, tùy thuộc vào hai yếu tố: lợi ích chiến lược và lợi ích kinh tế của Mỹ.

Nói như vậy để thấy rằng, tuy nhân quyền là trụ cột bất di bất dịch trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng Mỹ sẽ áp dụng nó một cách linh hoạt vì mục đích tối thượng là lợi ích quốc gia.

Theo đó, Mỹ sẵn sàng “lờ” hồ sơ nhân quyền kém của một số nước để đảm bảo lợi ích chiến lược của Mỹ - chẳng hạn ở Trung Đông, nhưng cũng có thể cắt giảm viện trợ quân sự vì vấn đề nhân quyền, kể cả với các nước đồng minh như trường hợp của Thái Lan.

Các báo quốc tế thảo luận nhiều về khả năng Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Các báo quốc tế thảo luận nhiều về khả năng Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam

Trong quan hệ với Việt Nam, một quốc gia cựu thù và do một đảng cầm quyền, nhân quyền đã, đang và sẽ tồn tại trong giao thiệp giữa hai bên cho đến khi nào hai quốc gia có được những giá trị chung.

Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu trong tiếp xúc với các lãnh đạo của Việt Nam, Tổng thống Obama đề cập và kêu gọi giới chức Việt Nam tôn trọng nhân quyền và cởi mở hơn với người dân, tạo điều kiện cho người dân thực hiện thực chất các quyền con người đã được chính Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định.

Nhưng cách đặt vấn đề nhân quyền của ông Obama với các lãnh đạo Việt Nam sẽ không gay gắt để phá tan bầu không khí hữu nghị và đang xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai bên.

Từ trước nay, phía Mỹ vẫn luôn gắn vấn đề dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí với cải thiện nhân quyền ở Việt Nam. Thế nhưng, năm 2014, Mỹ đã bãi bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, tập trung vào việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện chấp pháp và bảo vệ chủ quyền trên biển, bao gồm cả gói cấp viện 06 tàu tuần duyên trị giá 18 triệu USD.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ quyết tâm chiếm và làm chủ Biển Đông nơi có tuyến đường hàng hải liên quan đến lợi ích kinh tế và chiến lược của nhiều bên, trong đó có Mỹ, và phớt lờ luật pháp quốc tế ngay trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật biển đối với vụ kiện của Philippines, thì đây là thời điểm thích hợp và là lý do chính đáng để Tổng thống Obama ra quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải nói Hoa Kỳ sẽ không 'gay gắt' với Việt Nam về vấn đề nhân quyền
Chụp lại hình ảnh,

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải nói Hoa Kỳ sẽ không 'gay gắt' với Việt Nam về vấn đề nhân quyền

Ngoài ra, nếu Tổng thống Obama làm vậy sẽ càng làm cho ông trở thành một Tổng thống Mỹ có những quyết định mang tính lịch, từ thỏa thuận hạt nhân với Iran đến bình thường hóa quan hệ với Cuba, ký kết TPP và nay là bãi bỏ cấm vận vũ khí với một quốc gia cựu thù.

Hơn nữa, một Việt Nam quan hệ tốt với Mỹ, cho dù có chế độ chính trị khác Mỹ nhưng cùng chống lại chủ nghĩa bá quyền và sự trỗi dậy không còn hòa bình của Trung Quốc, sẽ có lợi cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở trong khu vực, hơn là để một Việt Nam dưới sự kiềm tỏa và sai khiến của Trung Quốc.

Vì những tính toán chiến lược của Mỹ, theo tôi, có ba khả năng liên quan đến vấn đề này trong hội đàm của Tổng thống Obama với các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Thứ nhất, Mỹ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí mà không có điều kiện cứu xét hàng năm. Phương án này quá lý tưởng mà phía Việt Nam mong đợi, xem đó như là biểu hiện thực chất của lòng tin chiến lược giữa hai bên.

Thứ hai, Mỹ bãi bỏ lệnh cấm, nhưng sẽ đặt điều kiện xem xét hồ sơ nhân quyền hàng năm theo kiểu Tu chính án Jackson Vanik trước đây. Đây là bước tạm thời và có vẻ như sẽ làm hài lòng tất cả các bên, đặc biệt trong nội bộ chính trị Mỹ.

Thứ ba, Tổng thống Obama sẽ chỉ ngoại giao nói rằng phía Mỹ đang xem xét khả năng bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, song thực chất là sẽ chờ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển đối với vụ kiện của Philippines và phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết này.

Nếu phán quyết bất lợi cho Trung Quốc và nước này phản ứng hung hăng hơn như lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông thì lúc đó Mỹ sẽ chính thức quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận.

  • Trong một phỏng vấn, ông từng nói giới chức Việt Nam sẽ khó chấp nhận đối lập và vẫn sẽ áp dụng chế độ "chuyên chế linh hoạt" trong điều hành đất nước. Vậy với áp lực gia tăng từ Biển Đông, cũng như những hứa hẹn có thể có được từ phía Mỹ, Liệu Việt Nam sẽ chọn gì trong thời điểm quan trọng này?

Bản thân khái niệm ‘chuyên chế linh hoạt’ đã thể hiện cách ứng xử và lựa chọn của chính quyền Việt Nam.

Theo đó, chính quyền sẽ không dung thứ cho phản kháng đối lập, vẫn sẽ duy trì sự lãnh đạo của Đảng, vẫn muốn quan hệ tốt với Mỹ, và tất nhiên vẫn kiên quyết bảo vệ và không để mất thêm chủ quyền trên Biển Đông. Vấn đề là, chính quyền sẽ giải quyết một cách khôn ngoan tất cả những mối quan hệ này như thế nào.

  • Chuyến đi chính thức của ông Obama liệu sẽ có ý nghĩa ra sao với những nhân sự mới của chính quyền Việt Nam hiện tại, khi chính quyền mới đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ giai đoạn trước (như nợ công, thảm họa cá chết, tham nhũng, bộ máy cồng kềnh)?

Trước tiên nói về các áp lực. Tôi không nghĩ những vấn đề như chị nêu sẽ có thể giải quyết trong một sớm một chiều được. Đó thuộc về vấn đề hệ thống và thể chế, và cũng không phải là vấn đề sẽ được bàn thảo trong hội đàm giữa ông Obama với các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Là một lãnh đạo mới, ông Nguyễn Xuân Phúc được kỳ vọng thể hiện là người đổi mới

Nguồn hình ảnh, VTV

Chụp lại hình ảnh,

Là một lãnh đạo mới, ông Nguyễn Xuân Phúc được kỳ vọng thể hiện là người đổi mới

Về ý nghĩa của chuyến thăm của ông Obama với giàn lãnh đạo mới của Việt Nam, tôi nghĩ là rất quan trọng. Phía Việt Nam thực sự coi trọng chuyến thăm của ông Obama.

Tôi nghĩ, cũng vì lý do này, tất nhiên cũng chỉ là một trong số các lý do thôi, mà phía chính quyền Việt Nam đã đẩy nhanh việc chuyển giao quyền lực ngay sau Đại hội Đảng 12 và trước bầu cử Quốc hội khóa mới.

Với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông cũng muốn thể hiện mình là người đổi mới và quan hệ tốt với Mỹ không kém người tiền nhiệm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang vốn bên ngành công an chăm lo về an ninh và bảo vệ chế độ, vì thế nay đã ở cương vị nguyên thủ quốc gia ông cũng muốn nhân dịp này thoát ra khỏi cái định kiến cho rằng ông từng lãnh đạo một ngành nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch tuy ông cũng đã công du sang Mỹ năm ngoái.

  • Có một mảng mà Hoa Kỳ sẽ làm việc với Việt Nam trong chuyến thăm này, đó là sẽ cùng hỗ trợ Việt Nam về mảng sông Mekong. Như ông biết, từ trước đến nay, sông Mekong là vấn đề gần như "độc quyền" giữa Trung Quốc và 5 nước nhỏ hạ nguồn. Liệu người Mỹ có thể làm gì ở đây, và Việt Nam có thể trông đợi gì ở Hoa Kỳ trong tranh chấp nguồn nước không?

Đối với vấn đề sông Mekong, Mỹ đã có hỗ trợ, tuy thực chất chưa nhiều, các nước thuộc hạ nguồn sông Mekong trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong từ năm 2009.

Một trong sáu nội dung trong khuôn khổ Sáng kiến này là hợp tác về nông nghiệp và an ninh lương thực.

Đây là vấn đề gay mắt mà Việt Nam đang đối diện ở khu vực đồng bằng phía nam nơi dựa nhiều vào nguồn nước sông Mekong. Tôi nghĩ, Mỹ sẽ có hỗ trợ chung cho nước hạ nguồn trong khuôn khổ Sáng kiến chung này, trong đó sẽ có phần về cho Việt Nam.

Vai trò của Mỹ ở đây sẽ là khuyến khích các bên ở hạ lưu sông Mekong cùng hợp tác, đảm bảo lợi ích của nhau, chứ không đứng ra giàn xếp tranh chấp và không muốn làm mếch lòng bên nào.

Trong khu vực các quốc gia chung dòng Mekong, Trung Quốc hiện giữ ảnh hưởng quyết định đến an ninh nguồn nước
Chụp lại hình ảnh,

Trong khu vực các quốc gia chung dòng Mekong, Trung Quốc hiện giữ ảnh hưởng quyết định đến an ninh nguồn nước

  • Chuyến đi của ông Obama trùng hợp với thời điểm sẽ diễn ra bầu cử quốc hội Việt Nam cuối tháng 5/2016, và ông Obama nói sẽ gặp "các nhóm xã hội dân sự" trong đợt này. Cũng trong năm nay, lần đầu tiên người ta thấy các nhóm xã hội dân sự đã xuất hiện rất nhiều đại biểu tự ứng cử và vận động ứng cử. Ông có nghĩ chuyến thăm liệu có tác động hay ảnh hưởng gì đến kỳ bầu cử không?

Tôi không nghĩ ông Obama hay phía Mỹ sẽ có bất kỳ câu nói hay hành động công khai nào cổ súy vấn đề bầu cử ở Việt Nam cả. Vì đây là vấn đề nội bộ của Việt Nam, và hai bên đã đạt được thỏa thuận “không can thiệp công việc nội bộ” và “tôn trọng thể chế chính trị” của nhau trong chuyến thăm Mỹ năm ngoái của Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Đây là một nội dung trong việc tạo dựng lòng tin chiến lược giữa hai bên.

Các cuộc biểu tình vì vấn đề môi trường tại Việt Nam đã diễn ra nhiều tuần qua
Chụp lại hình ảnh,

Các cuộc biểu tình vì vấn đề môi trường tại Việt Nam đã diễn ra nhiều tuần qua

Có chăng, khi gặp các nhóm xã hội dân sự và những người thuộc xã hội dân sự tự ứng cử, ông Obama sẽ chỉ động viên họ tiếp tục những gì họ đã làm như việc ứng cử vừa qua và coi đó là việc thực hiện quyền công dân chính đáng đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam, bao gồm cả quyền bầu chọn và không bầu chọn người mà mình không mong muốn.

Đồng thời, ông Obama cũng sẽ gián tiếp kêu gọi chính quyền cởi mở hơn với xã hội dân sự và những người tự ứng cử, xem đó như là một biểu hiện thực chất của dân chủ mà Việt Nam đang phấn đấu xây dựng.

Tác động gián tiếp của cuộc gặp này, nếu có, sẽ là nhiều người trong số này sẽ không tham gia bầu cử.

Tuy nhiên, tôi nghĩ không hành động cũng chính là đã hành động. Vì vậy, không tham gia bầu cử chưa hẳn đã là cách làm phù hợp. Hơn nữa, làm như vậy thì chính họ cũng đã tự tước quyền công dân của mình.