Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời

Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời

Nguồn hình ảnh, Nguoi Viet

Chụp lại hình ảnh, Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời

Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, tác giả ‘Lịch sử nội chiến Việt Nam’ vừa qua đời tại TP. HCM sáng 24/3 là ‘người không chịu mệnh lệnh của ai ngoài con mắt nhìn sự thật’ như lời nhận xét của một giáo sư ở Hà Nội.

Ông Đại Trường, thọ 81 tuổi, là một nhà sử học và nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Tên ông được cho là ghép từ hai địa danh của tỉnh Khánh Hòa là Đại Lãnh và Trường Giang (sông Cái). Ông là con nhà Hán học Tạ Chương Phùng, nhà hoạt động phong trào độc lập dân tộc thập niên 1940 - 1950 cùng với ông Ngô Đình Diệm, sau làm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định và thành viên nhóm Caravelle.

Ông Đại Trường viết tác phẩm ‘Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802” năm 1964, đặt lại vấn đề về vai trò của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.

Sau năm 1975, cuốn sách này khiến tác giả gặp nhiều rắc rối. ‘Lịch sử nội chiến’ bị cho là "hạ thấp Quang Trung, đề cao Gia Long" và bị cấm lưu hành tại Việt Nam trong một thời gian dài và chỉ được in lại trong nước từ cuối thập niên 2000.

Sau năm 1975, ông bị đi cải tạo đến năm 1981.

Từ tháng 8/1994, ông định cư tại Hoa Kỳ.

Báo Người Việt hôm 23/3 viết: “Tại Mỹ ông bắt đầu cho in các tác phẩm chính của mình, như ‘Những bài dã sử Việt’ (1996), vốn là tập hợp các bài viết ở Việt Nam của ông giai đoạn 1984-1986; hay cuốn ‘Thần, Người và Đất Việt’ (1989, 2000)”.

"Kể từ cuối thập niên 2000, sách của Tạ Chí Đại Trường mới được chính thức in và phát hành tại Việt Nam. Năm 2014, Tạ Chí Đại Trường được Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng Văn Hóa Phan Chu Trinh về ngành nghiên cứu", báo này viết.

‘Người ngẩng cao đầu’

Hôm 24/3 trao đổi với BBC qua điện thoại từ Hà Nội, giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói: “Tôi bàng hoàng khi hay tin ông Đại Trường qua đời. Với tôi, ông ấy là người luôn ngẩng cao đầu, không chịu nghe mệnh lệnh của ai ngoài trái tin và con mắt nhìn sự thật”.

“Ông Đại Trường là nhà sử học có tầm vóc và có nhiều khám phá về phương diện lịch sử Việt Nam trong giai đoạn trung đại, cận đại và hiện đại”.

“Tiếc là có một quá trình dài từ năm 1975, giới khoa học xã hội miền Bắc nắm giữ tư thế ‘bên thắng cuộc’ nên không trao đổi học thuật với một nhà sử học chân chính của miền Nam như ông Đại Trường”.

“Theo tôi, đấy là một thiệt thòi cho giới khoa học miền Bắc. Lẽ ra, nếu tiếp cận ông sớm, người ta đã nhận ra phải nhận thức lịch sử cho đúng và những gì phải thay đổi trong cách viết sử lâu nay”, giáo sư nói thêm.

Ông Huệ Chi cũng cho hay: “Những người như ông Đại Trường cần phải được đặt ở vị thế xứng đáng để ông nghiên cứu và những phát hiện của ông được trân trọng. Nhưng có thể vì nhạy cảm chính trị mà người ta né tránh một tinh hoa của miền Nam như ông”.