Người giàu bị kỳ thị tại Việt Nam?

  • Hương Vũ
  • Gửi cho BBC từ Neuchatel, Thụy Sỹ

Theo báo cáo World Wealth Report của Credit Suisse, tài sản thế giới đã tăng 68% trong 10 năm qua, và chỉ có 1% giới siêu giàu đã sở hữu gần nửa tài sản thế giới.

Điều đó cho thấy người giàu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội.

Thế nhưng, tại Việt Nam vẫn tồn tại một nghịch lý: người giàu lại là đối tượng bị cả cả xã hội phân biệt đối xử, và kỳ thị.

Một vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 20.8.2013 tại Nghệ An làm hai người chết tại chỗ.

Người được cho là gây ra tai nạn đã không bỏ đi theo cách xử sự bình thường mà cùng những người đi qua đứng lại, cố vẫy xe cấp cứu nạn nhân.

Gia đình nạn nhân được báo chí giải thích là do quá đau buồn, đã sử xự theo cách truyền thống hơn là chẳng cần biết nguyên do đã muốn lao vào đập phá xe của “thủ phạm”.

Cơ quan công quyền đã làm đúng chức năng: đo đạc hiện trường, thử nồng độ cồn trong máu lái xe để có bằng chứng xác định lỗi của các bên và phía thiệt hại đã được thỏa thuận đền bù thỏa đáng.

Tại một đất nước mà số vụ tai nạn giao thông mỗi ngày cộng lại còn vượt qua cả số người chết do chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… thì đây là việc quá đỗi bình thường.

Mồi ngon xâu xé

Cái không bình thường ở đây, là “thủ phạm” lại sử dụng cái xe Rolls – Royce Phantom trị giá tới 40 tỷ, và anh đã tự dưng trở thành miếng mồi ngon cho cánh nhà báo kên kên xâu xé.

Hàng chục bài báo cày đi xới lại sự vụ. Không tìm ra được lỗi của anh tỷ phú chủ xe, cánh nhà báo quay ra kể lể về hoàn cảnh đáng thương của hai người tử nạn, dù rằng lỗi đã được xác định do chính thói phóng nhanh, vượt ẩu, bất chấp quy tắc tham gia giao thông của họ gây ra.

Có tờ báo còn tuyên bố đây là vụ tai nạn làm xôn xao dư luận cả nước.

Và những dòng tựa về chiếc xe 40 tỷ không được trang bị chức năng tự tránh người cứ thế mà ngập tràn các mặt báo, mặc dù người chủ xe- nạn nhân đích thực của vụ tai nạn phải lên tiếng van xin các nhà báo hãy để cho ông được yên vì vụ tai nạn là ngoài ý muốn.

Nếu ông không phải là một tỷ phú và không sở hữu chiếc xe trị giá 40 tỷ, thì rắc rối sẽ không bị đẩy tới mức trầm trọng đến thế.

Phân hóa giàu nghèo là một vấn đề lớn ở Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty

Chụp lại hình ảnh, Phân hóa giàu nghèo là một vấn đề lớn ở Việt Nam

Trong thời buổi kinh tế suy thoái khó khăn này, thì việc thành bại của một doanh nghiệp là điều khó mà nói trước, ngay cả tại các nước tư bản phát triển.

Nhưng, cũng nhân dịp này mà những đại gia có tiếng như Quốc Cường Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai… đều lần lượt bị cánh nhà báo đem lên các trang truyền thông chính thống, các trang mạng xã hội bêu riếu về đạo đức kinh doanh, về thói quen chơi xe xa xỉ và quy đó là những lý do chính làm nên sự thất bại hiện nay của họ…

Tìm hiểu về cách ăn xài của con cái giới nhà giàu cũng là đề tài được báo chí khai thác triệt để chiểu theo nhu cầu công chúng.

Hiếm ở đâu trên thế giới, cánh nhà giàu lại bị truyền thông săm xoi và đố kỵ một cách công khai và hệ thống như tại Việt Nam!

Vậy người giàu ở Việt Nam có bị ghét từ trong tiềm thức?

Thực ra, tại Việt Nam, không phải tới tận bây giờ người giàu mới bị ghen ghét, mà tính đố kỵ người giàu đã nằm sẵn ở ngay trong tiềm thức phần đông công chúng từ khi họ chỉ là những đứa trẻ.

Lật lại các trang truyện cổ tích dành cho trẻ con, có thể nhận ra 100% nhân vật phản diện luôn thuộc thành phần bá hộ, địa chủ, cường hào… Những anh nhà giàu tốt bụng là nhân vật cực kỳ hiếm.

Những câu truyện trào lộng từ các nhân vật Trạng Quỳnh, Xiểng Bột… luôn được công chúng nhiều thế hệ hể hả đón nhận và lưu danh cũng chỉ nhờ những trò khôn vặt trong các tình huống cư xử với giới nhà giàu.

Cũng không phải tự nhiên mà những hảo hán anh hùng Lương Sơn Bạc lại được người Việt suy tôn và yêu thích tới thế.

Đơn giản, vì họ luôn đề cao hành động cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo, và người đọc Thủy Hử tại Việt Nam lại tuyệt đại đa số thuộc giới nhà nghèo.

Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi mới thành lập, mục tiêu hành động của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là "Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”! Người giàu bị coi là kẻ thù của quần chúng nhân dân, của toàn dân tộc.

Cho nên tại Việt Nam, dường như người giàu luôn bị mặc định bị coi là thành phần bất chính, và đáng bị dư luận xăm xoi, lên án từ những chuyện nhỏ nhặt nhất.

Mới đây, nữ MC hải ngoại nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ Duyên cũng từng lên trang cá nhân than phiền về chuyện dư luận Việt chỉ thích “ngồi rình và chỉ trích”, khi chị bị một số cư dân mạng “dạy bảo” bài học đạo đức về chuyện cần bỏ tiền làm từ thiện thay vì nên mua một chiếc váy mới để giữ gìn hình ảnh trước công chúng.

Kỳ Duyên không phải là trường hợp cá biệt. Chỉ cần giở một bài báo online giới thiệu về một căn biệt thự của một người nổi tiếng, bạn sẽ thấy nhan nhản những bình luận phía dưới có nội dung đồng giọng đồng tông trách mắng nhân vật thật lãng phí vô tâm, tại sao không làm từ thiện mà lại đi xây căn nhà xa hoa đến thế?

Người giàu Việt Nam hưởng thụ trên tài sản của chính họ, cũng bị dư luận mặc định là một điều xấu xa cần lên án!

Cần đổi tư duy ấu trĩ

Điều thực tế cần nhìn nhận, rằng những người ghen ghét, kỳ thị người giàu thì tuyệt đối là… người nghèo.

Chính vì tư duy yếu kém mà họ nghèo. Và khi không thể giàu, họ càng ghen ghét đối tượng không cùng đẳng cấp với họ: người giàu.

Nếu như tỉnh táo hơn, người nghèo sẽ nhận ra rằng một nền kinh tế phát triển, không thể thiếu sự đóng góp công sức của những người giàu.

Người giàu luôn tìm cách đầu tư để cho tài sản của họ sinh lợi, họ được hưởng lợi từ tài sản của mình nhưng muôn vàn người nghèo khác cũng được hưởng lợi nhờ những công ăn việc làm mà họ tạo ra.

Người giàu có nhiều cách để không đầu tư mà chuyển tiền ra nước ngoài

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Người giàu có nhiều cách để không đầu tư mà chuyển tiền ra nước ngoài

Càng có nhiều người giàu, thì đất nước càng chóng thoát nghèo.

Khi người giàu tiêu tiền của họ vào những món xa xỉ, thì càng nên cổ vũ. Vì những đồng tiền này sẽ được luân chuyển trên thị trường, khuyến khích nhiều hơn một xã hội tiêu dùng và đem lại thu nhập cho nhiều người khác.

Điều đó không khác gì cấp những chiếc cần câu cho nhiều đối tượng xã hội, và nếu nhìn về khía cạnh nhân văn thậm chí còn có ích hơn việc cấp con cá làm mối cho nguyên một huyện miền núi nghèo khổ suốt một năm ròng.

Vì, khi con cá hết, dân nghèo vẫn cứ tiếp tục bị đói và xã hội không thể tiến lên một bậc nào cả.

Nếu việc chi dùng của người giàu bị soi mói quá kỹ, họ sẽ phòng vệ bằng cách đóng băng tiền vào một vị trí an toàn cho chính bản thân họ, hoặc chuyển ra nước ngoài.

Tới lúc đó, người nghèo cũng không thể vì thế mà khá hơn, xã hội sẽ chỉ đứng im hoặc thụt lùi…

Xã hội không có người giàu, là một xã hội thảm họa!

Bài thể hiện quan điểm riêng của Hương Vũ, từ Neuchatel- Thụy Sỹ.