VN có thể 'học hỏi rất nhiều' từ Myanmar

VN có thể 'học hỏi rất nhiều' từ Myanmar

Cải tổ và dân chủ hóa ở Myanmar là 'một quá trình' có nguồn gốc từ lâu và Việt Nam có thể học hỏi, tham khảo 'được rất nhiều' từ Myanmar, theo cựu Đại sứ Việt Nam tại quốc gia này.

Trong phần tiếp theo và cũng là phần cuối của cuộc trao đổi với BBC, hôm 10/11/2015, ông Chu Công Phùng nói:

"Mỗi một quốc gia có đặc điểm riêng của họ, Myanmar có đặc điểm, đặc thù riêng của họ, họ thực hiện dân chủ, họ phát triển kinh tế có đặc điểm riêng của họ. Việt Nam có đặc điểm riêng của chúng ta.

"Cho nên tôi nghĩ những bài học của Myanmar, tôi nghĩ bài học là đối với Việt Nam của chúng ta có thể tham khảo được rất nhiều, tham khảo từ mô hình phát triển kinh tế.

"Tại sao rừng vàng biển bạc, Myanmar nhiều như vậy mà suốt nửa thế kỷ họ chìm đắm trong nghèo khổ, thậm chí thiếu ăn?

"Thì Việt Nam chúng ta cũng thế, tài nguyên phong phú như thế, nhưng mà trước năm 1988 chúng ta (Việt Nam) rất thiếu thốn.

"Myanmar cũng có cải cách kinh tế, thì bây giờ đạt được họ xuất khẩu gọi rồi, chúng ta từ năm 1988 đến giờ cũng đã đổi mới, phát triển, xuất khẩu gạo rồi".

Từng bước và lộ trình

Còn về mặt chính trị, thể chế, cựu Đại sứ Việt Nam tại Myanmar nói thêm:

"Thế còn về chính trị của hai bên nó khác nhau. Tôi xin nói rằng Myanmar ngay từ thập kỷ sau khi mà họ thành lập đất nước những năm 1948, là Myanmar đã có dân chủ rồi... có nghị viện, dân chủ, đa đảng rồi.

"Cho đến bây giờ họ trở lại không khí, đổi mới, trở lại đời sống dân chủ không phải mới đâu. Đối với người Myanmar không phải mới đâu, họ thụ hưởng rồi.

"Thế còn Việt Nam nhiều cái còn rất mới mẻ, vậy chúng ta phải từng bước, từng bước học tập họ và từng bước thực hiện.

"Bởi vì tôi nói rồi quá trình phát triển, quá trình dân chủ nó phải là từng bước một và có thời gian, có lộ trình, không thể cùng một lúc có thể làm ngay được," ông Chu Công Phùng nói với BBC.

Mời quý vị theo dõi phần đầu cuộc phỏng vấn của BBC với cựu Đại sứ Việt Nam tại Myanmar tại đây.