Phản đối đâu chỉ là yêu nước cực đoan

Cũng có những nhóm kêu gọi biểu tình ''đúng cách''.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Cũng có những nhóm kêu gọi biểu tình ''đúng cách''.

Những hình ảnh kinh hoàng về công nhân Việt Nam phá các nhà máy Trung Quốc sở hữu dường như cho thấy rằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang hiện hữu tại Đông Á và Đông Nam Á.

Nhưng thực tế có lẽ phức tạp hơn vậy. Mặc dù người ta hẳn đang trào dâng cảm xúc hướng về số phận của vài đảo đá nhỏ trên Biển Đông, nhưng tinh thần dân tộc cuồng tín không đơn giản là tác nhân chính.

Dấu hiệu đầu tiên là hầu hết các nhà máy “Trung Quốc” bị đập phá, trên thực tế, lại không phải của Trung Quốc.

Phóng viên không được cho phép vào các khu công nghiệp nơi các cuộc phản đối diễn ra để tác nghiệp, vì vậy chúng ta chỉ có thể phỏng đoán dựa vào việc nghe và thấy đối với điều gì đã xảy ra và vì sao nó đã xảy ra.

Tuy thế, từ những thông tin mà các đồng nghiệp của tôi tại BBC tiếng Việt tiếp cận được, các vụ bạo loạn cho chúng ta thấy nó liên quan nhiều đến tình cảnh của công nhân làm việc tại nhà máy hơn là địa chính trị.

Nói vậy không có nghĩa tôi phủ nhận việc nhiều người Việt Nam tức giận trước nỗ lực Trung Quốc đặt giàn khoan lấy dầu tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền. Đã có những cuộc biểu tình đầy phẫn nộ về việc này trước cửa đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh cuối tuần trước.

Những cuộc biểu tình đó không phải là chuyện chưa bao giờ xảy ra và được chính phủ Việt Nam châm chước. Lý do‎ là bởi Đảng Cộng sản cầm quyền muốn gây ấn tượng với hai nhóm khán giả: chính nhân dân của họ và các đối thủ nước ngoài.

Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức sáng dạ. Họ biết rằng đang có làn sóng căm phẫn về hành động của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa (hay Biển Đông theo cách gọi ở Việt Nam).

Đảng cũng biết rằng giới chỉ trích họ, đặc biệt là những tổ chức chống cộng hải ngoại, cáo buộc họ quy phục trước Trung Quốc. Nếu đàn áp những người biểu tình “yêu nước” quá mạnh tay, Đảng Cộng sản sẽ bị cáo buộc phản bội lợi ích quốc gia.

Đảng cũng biết vị thế đàm phán với Trung Quốc sẽ mạnh hơn nếu họ cho đối phương thấy cái giá của sự thỏa hiệp ở trong nước là quá lớn.

Đây là cách giải thích thông thường cho những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam (và, không phải ngẫu nhiên, cũng là cách giải thích cho các cuộc biểu tình bài Nhật ở Trung Quốc).

Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức tức giận về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào gần quần đảo Hoàng Sa. Một chút phản đối trên đường phố giúp họ nâng cao vị thế khi đàm phán với người anh em cộng sản ở Bắc Kinh, đồng thời hạ nhiệt cho những người bốc đồng.

Nhà chức trách địa phương ứng phó sau bạo động tại hàng chục nhà máy.

Nguồn hình ảnh, vietnam police

Chụp lại hình ảnh,

Nhà chức trách địa phương ứng phó sau bạo động tại hàng chục nhà máy.

‘Quân xâm lược’

Tuy nhiên, phạm vi và quy mô của việc phá phách và bạo loạn trong vài ngày qua là cái gì đó mới và gây sốc. Có cách giải thích khác như sau.

Có hàng loạt kiểu lý giải cho nguyên nhân thổi bùng bạo loạn. Một số người cho rằng nó bắt đầu bởi cuộc biểu tình được tổ chức chính thức, nhưng sau đó bị mất kiểm soát. Những người khác nói Việt Tân, một tổ chức chống cộng hải ngoại có trụ sở tại Hoa Kỳ, có thể đã đóng một vai trò.

Cả hai cách lý giải trên có thể đúng nhưng chẳng giải thích được tại sao các cuộc biểu tình này lại thu hút quá nhiều người đến vậy và chuyển hướng thành bạo loạn quá nhanh. Hẳn phải có các yếu tố khác ở đây.

Thomas Jandl, một chuyên gia về Việt Nam tại American University ở Washington DC, nói về thực trạng bất mãn gia tăng của công nhân tại các khu công nghiệp ở Việt Nam.

“Bạo loạn có thể dễ dàng bắt đầu từ những vấn đề nhỏ, sau đó cộng hưởng với các yếu tố khác. Họ chỉ là những người công nhân, không phải là học giả khoa học chính trị hay sử gia. Họ có những đốc công “Trung Quốc”, họ cảm thấy rằng những người này không tử tế gì với họ cả, và bây giờ thì những người đốc công Trung Quốc, hoặc ai đó giống họ, lại đang xâm lược đất nước,” ông nói.

Trong vài năm qua đã có hàng chục cuộc đình công tại các nhà máy nước ngoài ở Việt Nam. Công nhân phàn nàn về lương thấp, điều kiện làm việc kém (như chất lượng đồ ăn trong nhà máy tồi, bị hạn chế đi vệ sinh trong giờ làm việc), và bị giới quản l‎ý trù dập. Đó là việc châm ngòi cho các cuộc đình công.

Những khiếu nại này tập trung chủ yếu vào nhà máy sở hữu bởi các công ty Đài Loan và Hàn Quốc. Tuy vậy, các công ty của Thái Lan và Singapore cũng bị ảnh hưởng.

Giọt nước tràn li?

Thủ tướng và Chủ tịch nước Việt Nam đã lên tiếng sau bạo động.

Nguồn hình ảnh, AP

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng và Chủ tịch nước Việt Nam đã lên tiếng sau bạo động.

Cộng thêm vào đó là việc người ta có một khiếu nại mới và quan trọng: đó là một vài nhà máy, đặc biệt là các nhà máy Đài Loan sở hữu đã ưa tuyển dụng công nhân Trung Quốc hơn công nhân người Việt.

Đây có lẽ là lý do châm ngòi cho vụ bạo loạn ở Hà Tĩnh, nơi một người Trung Quốc bị giết hại và 90 người khác bị thương.

Những gì chúng ta đang chứng kiến ở Việt Nam là thực trạng tức giận chưa đủ chín: một phần là chống Trung Quốc, nhưng phần có vẻ khẩn cấp hơn là chống lại giới chủ tồi. Đây là một tình huống ác mộng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Người biểu tình sẽ dễ dàng nói rằng Đảng phản bội lợi ích quốc gia ngoài khơi ở Biển Đông (khi không phản ứng đủ mạnh trước Trung Quốc) và yếu đuối bên trong đất liền, khi đã không buộc các doanh nghiệp nước ngoài đối xử với công nhân Việt Nam tử tế.

Cộng với vô vàn bức xúc ở địa phương cũng như của cá nhân, và một nước cờ sai lầm, có thể đã là giọt nước làm tràn ly dẫn đến sự phản đối chống lại “hệ thống”.

Đảng Cộng sản có khả năng điều hàng trăm nghìn nhân viên an ninh xuống đường trong một vài giờ nếu mối đe dọa với chế độ trở nên nghiêm trọng. Tuy vậy, đó chỉ là giải pháp cuối cùng của một tổ chức tự nhận mình là hiện thân cho ý chí của nhân dân.

Các quyết định của Đảng trong vài ngày tới sẽ có hệ lụy tương đối lâu.

Bill Hayton làm việc cho BBC Media Action, là tác giả của cuốn “Việt Nam: con rồng đang lên” (Yale 2010), và cuốn “Biển Đông và cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á”, sẽ được Yale xuất bản vào tháng Chín năm 2014.