'Chính người dân phải tự trách mình'

  • Quốc Phương
  • BBC Việt ngữ
GS Nguyễn Minh Thuyết
Chụp lại hình ảnh, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng người dân có trách nhiệm với chất lượng của Quốc hội.

Nếu Việt Nam hiện nay đang có một Quốc hội mà người dân 'không hài lòng', thì chính người dân cũng phải 'tự hỏi lại chính mình', theo một cựu Đại biểu và Phó Chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội Việt Nam.

Trao đổi tại cuộc tọa đàm trực tuyến http://bit.ly/1onwvra của BBC hôm 06/11/2014, nhân sự kiện Quốc hội khóa 13 của Việt Nam đang tiến hành kỳ họp thứ tám, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói:

"Tôi hoàn toàn chia sẻ với sự phê bình của các vị đã phát biểu trước tôi với tư cách là cử tri. Phê bình như thế là đúng đấy và tôi nghĩ có thể còn phê bình mạnh hơn nữa.

"Thế nhưng còn hỏi là vì sao chúng ta lại có một Quốc hội mà người dân không hài lòng như vậy, thì tôi cho là chính người dân cũng phải tự trách mình.

"Người dân như thế nào, thì Quốc hội như thế. Nếu bao giờ người dân của mình (Việt Nam) mà giác ngộ, mình đi bầu, mình chọn lọc thật cẩn thận, thì lúc ấy mình sẽ có một Quốc hội như ý của mình.

"Còn bây giờ người ta bảo đưa ra 5 người, lấy 3 người, ông cũng tìm bằng được cho đủ ba người, mặc dù ông chẳng biết mặt ba người ấy, ông chẳng biết tài của ba người ấy, thì sẽ bầu vào những đại biểu kiểu như ấy thôi.

"Theo tôi vấn đề là giác ngộ của người dân. Người dân bây giờ mà một người lại đi bỏ phiếu, cầm cả một nắm phiếu bầu thay cho cả nhà, thì lấy đâu ra chính xác.

"Tôi cho quan trọng nhất là người dân phải giác ngộ. Khi nào người dân giác ngộ về quyền làm chủ của mình, thì lúc ấy đất nước sẽ có dân chủ hơn.

"Và lúc ấy lá phiếu của người dân sẽ có giá trị hơn," ông Nguyễn Minh Thuyết nói với cuộc tọa đàm hôm thứ Năm.

'Tôi không đi bầu nữa'

TS. Xã hội học Lê Bạch Dương
Chụp lại hình ảnh, TS. Lê Bạch Dương cho rằng cơ chế bầu cử hiện nay ở VN 'không có ý nghĩa' và làm 'mất thì giờ' của cử tri.

Bình luận về ý kiến của Giáo sư Thuyết, Tiến sỹ Lê Bạch Dương, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nói:

"Với ý kiến... của Giáo sư Thuyết, tôi cũng minh chứng bản thân tôi như một ví dụ.

"Tức là bây giờ tôi không đi bầu nữa. Bởi vì tôi thấy cơ chế bầu cử như thế này chẳng có ý nghĩa gì cả, cho nên tôi thấy không nên mất thì giờ cho việc như vậy.

"Chừng nào đưa ra một cơ chế mới thì tôi sẽ đi bầu.

"Mọi người có thể nói tôi vô trách nhiệm, nhưng tôi không thích bầu cho những người mà tôi chẳng hiểu gì cả.

"Lẽ ra họ phải đưa ra được những cương lĩnh, những chương trình để tôi có thể so sánh xem tôi nên bầu cho ông A, cho ông B.

"Đưa một bản lý lịch ngắn ngủn treo ở chỗ bầu cử như vậy, đọc không có một tí thông tin gì cả, thì tôi thấy bầu như vậy vô nghĩa, cho nên là khi thấy làm cái gì vô nghĩ thì tôi không làm.

"Cho nên tôi nghĩ, chừng nào thay đổi được cơ chế bầu cử, may ra mới có được ý kiến của người dân xác đáng, để chọn ra được những vị ... (Đại biểu) xứng đáng," nhà nghiên cứu xã hội học nói với tọa đàm.

'Chỉ đồng ‎ý 1/3'

TS. Nguyễn Quang A
Chụp lại hình ảnh, TS Quang A nói chỉ đồng ý với 1/3 nội dung một ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà phân tích kinh tế và phản biện xã hội độc lập, nói ông chỉ đồng ý với một phần ba quan điểm trong ý kiến nói trên của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tại cuộc tọa đàm của BBC.

Trước tiên ông trả lời BBC về việc liệu Quốc hội Việt Nam có đạt được tiến bộ, cải thiện nào hay không trong thời gian gần đây, sau nhiều tuyên bố, chương trình cải cách.

Tiến sỹ Quang A nói: "Tôi nghĩ là có sự cải thiện chứ không phải là không có sự cải thiện. Vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao hơn so với trước. Nhưng mà về cơ bản, Quốc hội này vẫn là 'Quốc hội nghị gật', phải nói thực như thế.

"Và tôi đồng ý một phần ba với Giáo sư Thuyết ở cái chỗ là người dân phải tự giác... Nhưng mà người dân tự giác, ở đây là người dân thực sự không có quyền lựa chọn, người dân chỉ có thể bất tuân tự động như là anh Dương (TS. Lê Bạch Dương) thôi, không đi bầu nữa.

"Nhưng tôi nghĩ rằng cái quan trọng là người dân phải lên tiếng, phải đấu tranh để xóa bỏ những cơ chế ấy đi, chứ còn ngồi đợi để cơ chế thay đổi, chẳng bao giờ nó thay đổi cả. Tôi nghĩ rằng cái cơ chế của Mặt trận Tổ quốc là phải dẹp bỏ, 'cơ chế hiệp thương' là phải dẹp bỏ. Đấy là cơ chế lọc người theo ý định của những người lãnh đạo, thì tôi nghĩ rằng đấy hoàn toàn là phi dân chủ.

"Và tôi nghĩ rằng người dân đúng là phải giác ngộ, phải lên tiếng, và phải bảo rằng "Các ông làm như thế là không được, chúng tôi không chấp nhận và chúng tôi đòi phải làm khác."

"Và chỉ có cách tích cực như vậy, thì sự thay đổi mới có thể xảy ra, chứ chưa chắc đã xảy ra. Nhưng mà nếu chúng ta phản ứng một cách thụ động, hoặc chỉ có trách tại sao lại không khéo chọn lựa giữa những người mà người ta đã chọn sẵn cho mình, thì tôi nghĩ rằng tất cả những cách ứng xử như thế sẽ chỉ kéo dài chế độ này mà thôi.

"Và tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ có sự thay đổi gì cả. Tôi mong muốn rẳng từng cử tri, từng người dân phải chủ động hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, cất lên tiếng nói của mình," Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với tọa đàm.

Tại sao 'tín nhiệm kín'?

LS Trần Quốc Thuận

Nguồn hình ảnh, tuoitre

Chụp lại hình ảnh, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng lấy phiếu 'tín nhiệm kín' đi ngược với xu thế công khai, minh bạch.

Quốc hội Việt Nam trong phiên họp đang diễn ra, theo thông báo, sẽ tiến hành 'lấy phiếu tín nhiệm kín' với một số vị trí quan chức do Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp bầu ra hoặc phê chuẩn, từ Sài Gòn, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội của Việt Nam, nêu quan điểm.

Ông nói: "Bây giờ bỏ phiếu kín, tôi cho rằng đó là hoạt động không bình thường, vì các vị do Quốc hội bầu và phê chuẩn thì toàn dân đều biết.

"Bây giờ sự tín nhiệm của Quốc hội cũng là sự tín nhiệm của cử tri, thì được bao nhiêu báo cho cử tri biết, tại sao lại kín?

"Kín là thế nào, như là Trung ương 6 trước đây (Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) họp đề xuất kỷ luật người này, người kia, thì cuối cùng cũng không biết đề xuất ai, thì gạch tên đồng chí X.

"Sau đó người ta bảo X, Y, Z, rồi thế này, thế kia, thì không biết cái gì cả, rối bung, cho nên người ta nói không nên giữ cái gì cũng kín, mà kín thì người ta cũng biết.

"Gần 500 đại biểu đó về, họ sẽ nói toạc ra hết, tất cả sẽ biết, mà biết thì người ta bình luận. Thì bây giờ đến năm chục người bỏ phiếu, người ta lần mò người ta hỏi, người ta đặt thơ, đặt ca, thì đâu có hay gì.

"Cho nên tôi cho rằng việc đã là làm đại biểu, đã là người công khai chịu trách nhiệm trước cử tri, mà không biết làm mình tín nhiệm thế nào, mà bỏ phiếu kín, thì đó là công việc tôi cho là không bình thường, đi lại xu thế chung là xu thế hoạt động ngày càng công khai minh bạch," luật sư Thuận nói với tọa đàm.

Cũng về việc lấy phiếu tín nhiệm kín này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm:

"Tôi thấy rằng Việt Nam mình luôn đi ngược với thế giới, làm khác với thế giới, và đó là một trong những nguyên nhân làm cho nước Việt Nam lạc hậu, làm cho dân Việt Nam khổ.

"Thế thì chuyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một chuyện làm ngược đời. Ở trên thế giới, chẳng có nước nào mà chúng tôi biết là người ta làm như thế cả. Chia thành hai bước lấy phiếu, song lại bỏ phiếu, lấy phiếu thì 3 mức, chứ không phải 2 mức mà cả ba mức đều là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp."

'Cách làm chẳng giống ai'

Quốc hội Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Hoang Dinh Nam AFP

Chụp lại hình ảnh, Quốc hội khóa 13 của Việt Nam đang họp phiên thứ Tám tại Hà Nội.

Theo vị cựu Đại biểu này không thấy Quốc hội nước nào bỏ phiếu theo kiểu như đang diễn ra ở Quốc hội Việt Nam.

Bình luận về ý kiến của luật sư Thuận, Giáo sư Thuyết nói:

"Tôi thấy là Luật sư Trần Quốc Thuận nói rất là đúng, vì chuyện bỏ phiếu mà bỏ phiếu kín nữa thì bỏ phiếu làm gì, mà lại đi ngược với xu thế công khai, minh bạch, tôi cho rằng là, nếu thế thì thôi, tốt nhất là không bỏ phiếu.

"Bởi vì bỏ ra nó mất thì giờ, rồi cũng lại phải tổ chức tốn thời gian, tốn tiền nữa, đếm phiếu nữa, đếm phiếu xong rồi dấu kín đi đến Đại biểu Quốc hội không biết, thế thì tôi không hiểu bỏ để làm gì."

Mặt khác ông Thuyết cũng cho rằng chỉ nên bỏ phiếu 'tín nhiệm' với những ai được hiểu là 'có vấn đề' để tránh mất thời gian và làm ảnh hưởng tới những người đang làm việc tốt mà có thể không cần đặt vấn đề về 'tín nhiệm'.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội VN nói:

"Bây giờ lấy phiếu tín nhiệm thì lại lấy phiếu tới 50 người, cả những người người ta làm việc tốt, người ta chẳng có vấn đề gì để mình phải lấy phiếu tín nhiệm người ta cả. Mà tôi cũng không thấy có nước nào mà người ta làm như thế cả.

"Ở các nước, người ta chỉ theo kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, thì người ta lấy ý kiến Quốc hội về bỏ phiếu tín nhiệm với một người nào đó cụ thể mà người đó theo Đại biểu là làm việc không tốt.

"Theo tôi tốt nhất là như vậy, đầu kỳ họp mình phát cho các đại biểu một tờ giấy thăm dò, đại biểu nào đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm nào đối với ai thì ghi vào đấy. Và cuối cùng, Ban Tổ chức thống kê xem từ 20% đại biểu trở lên đề nghị bỏ phiếu đối với ông X, ông Y chẳng hạn, thì lúc ấy chúng ta bỏ phiếu.

"Còn những người khác thì để cho người ta làm việc. Mình lúc nào cũng đem ra làm phiền người ta làm gì, tôi cho rằng cách làm của mình chẳng giống ai cả," Giáo sư Thuyết nói với BBC.