Nên xử lý vụ án 'Xét lại' theo hướng nào?

Nên xử lý vụ án 'Xét lại' theo hướng nào?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao bình luận về khả năng, thời điểm và phương hướng xử lý vụ 'Xét lại chống Đảng' nhân việc mới đây, cựu Đại tá quân đội Bắc Việt, ông Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội, nguyên Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong các 'nạn nhân' của 'vụ án chính trị' qua đời.

Theo nhà phân tích này có ba loại Tòa án có thể được xem xét liên quan, đó là Tòa án tư pháp, Tòa án lịch sử và Tòa án lương tâm, hoặc theo cách hiểu khác gần cận, tương tự là các Tòa án Lương tâm, Tòa án Chính trị và Tòa án Công lý.

Vụ án 'Xét lại chính trị' là sản phẩm của một giai đoạn trong quá khứ của một thể chế chính trị mà vẫn tồn tại liên tục từ đó cho tới nay, cho nên theo ông Giao này, chừng nào chính quyền chưa muốn xem xét lại vụ việc, vì lý do liên quan tới tính chính danh, hoặc ảnh hưởng tới chính vị thế của chính quyền, hoặc chưa có sự chuyển đổi sang thể chế pháp quyền đích thực, thì vụ việc mà trong đó ông Lê Trọng Nghĩa và nhiều người khác là 'nạn nhân' có thể chưa được xem xét ngay.

Tuy nhiên, vẫn theo PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, có những trường hợp bị coi là 'có tội' với một thể chế chính trị, nhưng sau này xét lại lại có thể trở thành 'có công với Tổ quốc và dân tộc'.

Trong cuộc trao đổi với BBC hôm 26/2/2015, nhà phân tích hiện là Viện trưởng Viện Chính sách Pháp luật & Phát triển, cũng đưa ra lời khuyên với đảng cộng sản, nhà nước và chính quyền Việt Nam về vụ án liên quan Đại tá Nghĩa cùng nhiều người khác, cũng như bình luận về nhiều vấn đề, hồ sơ trong quá khứ, trong đó có các vụ Cải cách Ruộng đất, cải tạo công thương ở miền Bắc, cải tạo thương nghiệp ở Miền Nam Việt Nam sau 30/4/1975.