Lo ngại thủy điện Sông Tranh 2 'bị nứt'

Thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh của VnExpress)

Nguồn hình ảnh, vnexpress

Chụp lại hình ảnh, Công trình thủy điện nằm ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam

Cơ quan giám định Bộ Xây dựng nói việc có rò rỉ nước qua vết nứt trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2 là do lỗi thiết kế thiếu ống dẫn nước nên gây ra thẩm thấu.

Chiều thứ Ba 21/3, đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Phó Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Bùi Trung Dung làm trưởng đoàn đã có thông báo chính thức về kết quả thị sát công trình Sông Tranh 2.

Theo đó, nguyên nhân chính gây rò rỉ nước là do lỗi thiết kế đã quên đường ống thoát nước kết nối, khiến nước đọng chảy và thẩm thấu qua thân đập.

Nhiều ngày nay, người dân huyện Bắc Trà My ở Quảng Nam, địa phương có công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã hết sức lo lắng trước thông tin đập thủy điện "bị nứt, nước chảy ào ạt như suối".

Đập thủy điện này đã từng bị ảnh hưởng của động đất hồi năm ngoái, gây nứt.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, nói với BBC rằng giới chức địa phương đang chờ kết luận chính thức của cơ quan chuyên môn cấp quốc gia để thông báo cho người dân.

Ông cũng thừa nhận là sau khi được đoàn công tác giải thích chiều 21/3, tâm lý đã 'tương đối ổn định'.

Đập chính thủy điện Sông Tranh 2 dài 650 mét, cao 96 mét, được dựng bằng khối bê tông 1,1 triệu mét khối.

Chủ đầu tư công trình là Ban quản lý thủy điện 3.

Không có vấn đề?

Trước khi có đoàn thị sát, chủ đầu tư vẫn khẳng định việc nước rò rỉ tốc độ 30 lít/giây là do tắc đường ống thoát nước của khe nhiệt, không phải sự cố về kết cấu có thể dẫn đến vỡ đập.

Tuy nhiên họ cũng thừa nhận tình trạng này có thể ảnh hưởng tuổi thọ của công trình.

Thủy điện Sông Tranh 2 hiện đang trong giai đoạn bảo hành hai năm, nhưng đã gặp nhiều vấn đề.

Công trình thủy điện Sơn La cũng đã từng gây lo ngại trong dư luận Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Công trình thủy điện Sơn La cũng đã từng gây lo ngại trong dư luận Việt Nam

Nhà máy thủy điện này có hồ chứa nước vào loại lớn nhất miền Trung, dung tích khoảng 730 triệu mét khối nước.

Riêng huyện Bắc Trà My có số dân 40.000 người, nên bất cứ sự cố gì xảy ra đều có thể gây thiệt hại nặng về người và của.

Ông Đặng Phong cho hay chủ đầu tư những ngày qua đã tích cực trám bịt các điểm rò rỉ, có lẽ là vì "hình ảnh nước (rò rỉ) quá nhạy cảm".

"Họ cũng hứa sẽ có kế hoạch khắc phục lâu dài, ngay sau khi có kết luận chính thức."

Các khoa học gia cảnh báo rằng khu vực xây dựng đập thủy điện cũng là nơi có đứt gãy địa chấn, bởi vậy ảnh hưởng của các chấn động trong lòng đất là điều cần tính tới.

Vài năm trước, thông tin đập thủy điện Sơn la có vết nứt cũng đã gây quan ngại lớn trong dư luận.

Đây là công trình khổng lồ, lớn nhất Đông Nam Á, nếu gặp sự cố sẽ dẫn đến thảm họa ảnh hưởng tính mạng 15 triệu dân ở hạ lưu.

Thủy điện Sơn La bắt đầu khởi công năm 2005, tới nay đã bắt đầu phát điện.