Quan hệ Việt - Miến 'thông cảm cho nhau'

Cựu thứ trưởng, đại sứ Lê Công Phụng nói Việt Nam và Miến Điện chia sẻ đồng cảm về hoàn cảnh

Nguồn hình ảnh, BBC World Service

Chụp lại hình ảnh, Cựu thứ trưởng, đại sứ Lê Công Phụng nói Việt Nam và Miến Điện chia sẻ đồng cảm về hoàn cảnh

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam – Miến Điện có quan hệ “hữu nghị truyền thống” và dễ thông cảm cho nhau trên nhiều vấn đề.

Trả lời cuộc phỏng vấn chung của hai ban Tiếng Việt và Tiếng Miến Điện của BBC hôm 21/3 nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Miến Điện Thein Sein, ông Lê Công Phụng cũng đề cập đến chủ đề Biển Đông trong mối quan hệ.

Hai mặt của phát triển

“Việt Nam không mưu cầu Miến Điện sẽ đứng về phía Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vì vấn đề đấy thuộc các bên có liên quan trực tiếp xử lý với nhau,” ông Phụng nói.

Tuy nhiên ông Phụng cũng nói Miến Điện có thể tham gia xử lý trong các vấn đề có liên quan đến nhiều nước như an ninh và tự do hàng hải.

Ông Phụng hiện đang là chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Asean thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi Việt Nam có thể học hỏi được gì từ cuộc cải cách của Miến Điện, ông Phụng nói Hà Nội “sẵn sàng tham khảo học hỏi nếu có những điều Miến Điện làm hay và hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển đất nước”.

Ông cũng cho biết những diễn biến gần đây ở Miến Điện sẽ có tác động tích cực trong quan hệ đối với Việt Nam cũng như trong khối Asean.

“Các cải cách làm cho Miến Điện mạnh lên – một thành viên Asean mạnh lên,” ông giải thích.

“Nếu kinh tế Miến Điện phát triển mạnh lên thì hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam cũng thuận lợi hơn,” ông nói.

Tuy nhiên ông cũng thừa nhận là nếu Miến Điện “mở cửa phát triển mạnh” thì “có thể Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn một chút để thu hút đầu tư buôn bán của các nước’.

“Nói (Miến Điện) là đối thủ (của Việt Nam) cũng được vì Miến Điện là một đất nước vừa mở ra nên các nhà đầu tư sẽ kéo vào,” ông nói.

“Chúng tôi phải cố gắng hơn để làm sao Miến Điện có các nhà đầu tư cũng không ảnh hưởng gì lớn đến Việt Nam.”

Ông Phụng nói ông tin Miến Điện “có rất nhiều điều kiện để phát triển đất nước”.

‘Thông cảm cho nhau’

Trả lời câu hỏi hai nước mong muốn gì ở nhau trong quan hệ song phương, ông nói về phía Việt Nam “muốn thì muốn nhiều”.

Quốc kỳ Việt Nam và Miến Điện trong lễ đón tại Phủ chủ tịch
Chụp lại hình ảnh, Việt Nam và Miến Điện sẽ giúp nhau hết sức mình để phát triển?

“Trước hết chúng tôi cần củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam và chính quyền mới ở Miến Điện và củng cố hợp tác về kinh tế, văn hóa và các lĩnh vực,” ông nói.

“Chúng tôi cũng như nhiều nước trong khu vực cũng trông đợi Miến Điện chuyển biến, đổi mới theo tiến trình đã đặt ra, thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa và sớm ổn định đất nước để phát triển,” ông nói thêm.

Về phía Miến Điện, ông cho rằng nước này mong muốn nước ông hỗ trợ trong quá trình phát triển đất nước cũng như quá trình đổi mới chính trị của họ.

“Họ cũng muốn tìm hiểu tham khảo các bài học Việt Nam đã trải qua,” ông nói.

Về cơ sở quan hệ hai nước, ông Phụng mô tả là “quan hệ hữu nghị truyền thống” và thông cảm cho nhau trên nhiều vấn đề.

“Việt Nam và Miến Điện cùng chung cảnh ngộ bị chiếm đóng và đều đứng lên giải phóng đất nước nên chia sẻ nhiều chuyện và thông cảm lẫn nhau,” ông nói.

Ông Phụng cũng nói là do Việt Nam cũng từng bị bao vây cấm vận nên thông cảm với hoàn cảnh của Miến Điện.

“Quan hệ hai nước chỉ có thể tốt lên thôi,” ông nói, “Trước đây và hiện nay hai bên đã cam kết giúp nhau hết sức mình để phát triển.”

“Dù chế độ chính trị khác nhau nhưng hai bên hiểu nhau và hoàn toàn có thể giúp đỡ nhau một cách vô tư,” ông nói thêm.

Ông cho biết là trong các cuộc gặp gỡ gần đây của ông với một số giới chức của Miến Điện thì ông đã nghe được khẳng định họ đã thay đổi và không trở lại con đường cũ”.

“Sau một thời gian dài khó khăn, họ (giới chức Miến Điện) nói là tiến trình phát triển đưa đất nước của họ đi lên diễn ra từng bước chứ không thể nhanh được,” ông thuật lại.