Vụ bắt tàu cá 'chưa phải lần cuối'

Ngư dân Việt Nam

Nguồn hình ảnh, viet fishing

Chụp lại hình ảnh, Ian Storey: ngư dân Việt không nghĩ TQ có quyền ngăn họ đánh bắt tại các vùng truyền thống

Tiến sỹ Ian Storey, học giả của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đặt tại Singapore nhận định tình hình sẽ "không leo thang trầm trọng" bất chấp biến cố mới đây trong quan hệ Việt Trung xung quanh vấn đề Biển Đông.

BBC phỏng vấn ông Ian Storey vào hôm 22/3 sau khi cả Trung Quốc và Việt Nam đều lên tiếng về vụ ngư dân Quảng Ngãi bị bắt giữ.

BBC:Trong những ngày gần đây, chúng ta chứng kiến Việt Nam và Trung Quốc liên tiếp kể tội lẫn nhau. Điều này có làm ông ngạc nhiên?

Tiến sỹ Ian Storey: Tôi không hề ngạc nhiên. Việt Nam và Trung Quốc có các tranh chấp chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Hai nước đều tìm cách củng cố đòi hỏi quyền tài phán bằng cách phản đối hoạt động của mỗi bên.

Trung Quốc chiếm được Hoàng Sa vào năm 1974 nhưng Hà Nội không công nhận tính hợp pháp và tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.

Tương tự, ngư dân Việt Nam tin rằng vùng biển xung quanh khu vực Hoàng Sa là khu vực đánh bắt cá truyền thống và không nghĩ rằng Trung Quốc có quyền ngăn cản họ đánh bắt ở khu vực này.

Trung Quốc ra sức nhấn mạnh quyền tài phán của mình thông qua việc bắt giữ những ngư dân mà họ tin là đã hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế.

Chúng ta đã chứng kiến cách hành xử như thế nhiều lần trước đây.

BBC:Ông có nghĩ rằng vụ giam giữ các ngư dân Việt Nam là chỉ dấu cho bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Vụ giam giữ các ngư dân Việt Nam không cho thấy đây là bước ngoặt trong mối quan hệ song phương này.

Những kiểu va chạm này đã xảy ra từ nhiều năm nay và giờ đây, mặc dù tạo ra các va chạm trong quan hệ song phương, nhưng chúng không thay đổi về cơ bản tiến trình của mối quan hệ Việt – Trung.

Hai quốc gia này có cơ chế ngoại giao làm bớt căng thẳng mỗi khi xảy ra. Đây không phải là lần đầu tiên có sự vụ như thế, và chúng ta có thể cược rằng đây tất nhiên không phải là lần cuối.

BBC:Liệu sẽ xảy ra các cuộc biểu tình ở Việt Nam hoặc Trung Quốc tương tự như những vụ biểu tình đã xảy ra vào mùa hè năm ngoái ở Việt Nam?

Tôi nghi ngờ khả năng vụ việc lần này sẽ dẫn tới biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Tôi cho rằng cả hai bên sẽ lẳng lặng đàm phán về vụ này và các ngư dân Việt Nam sẽ được thả nếu nộp tiền chuộc hay bị tịch thu thuyền bè và các dụng cụ đánh bắt.

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều không muốn những vụ việc kiểu này lại leo thang thành khủng hoảng ngoại giao.