Cặp đôi đồng giới 'bị phạt nếu về nhà'

Chính quyền địa phương ở một thị xã tỉnh Kiên Giang “bất ngờ” trước lễ cưới của hai người đàn ông đồng giới.

Đám đông hiếu kỳ đến theo dõi đám cưới

Nguồn hình ảnh, internet

Chụp lại hình ảnh, Đám đông hiếu kỳ đến theo dõi đám cưới

Chú rể Nguyễn Hoàng Bảo Quốc đã từ TP. HCM về thị xã miền biển Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang nằm ở tận cùng đất nước để xin cưới “cô dâu” Trương Văn Hiên.

Trước đó ở Việt Nam đã từng diễn ra một số lễ cưới của các cặp đôi đồng giới, nhưng về mặt pháp lý, Việt Nam không cho phép hai người đồng giới tổ chức kết hôn.

Sự kiện mới nhất, tổ chức ở nhà cô dâu ở phường Bình San thuộc Hà Tiên, được cho là đã thu hút đám đông hàng trăm người dân hiếu kỳ ken đặc cả con đường Phương Thành nơi dựng rạp đám cưới.

Hôn lễ này diễn ra cách nay gần hai tuần, vào ngày 16/5. Sau đó, một số người đã đưa thông tin và hình ảnh về đám cưới này lên các trang điện tử cá nhân để mọi người bàn luận.

Hình ảnh về đám cưới được đưa lên mạng cho thấy chú rể Quốc trong bộ vest màu trắng cùng ‘cô dâu’ Hiên trong trang phục quần tây áo sơ mi đỏ thẫm uống rượu giao bôi.

Ngoài ra đám cưới cũng có bánh kem ba tầng, tháp rượu và cả người dẫn chương trình như các đám cưới thông thường khác ở Việt Nam.

Bà Lâm Lê Oanh, chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Bình San, đã xác nhận với BBC rằng đã xảy ra một đám cưới như thế với số lượng khách mời “khoảng 10 mâm”.

‘Hoàn toàn bất ngờ’

Bà cho biết là chính quyền địa phương không hề biết trước và hoàn toàn bất ngờ khi đám cưới này diễn ra.

“Họ cũng có thiệp mời đám cưới,” bà nói, “Trong thiệp hồng nói là gả con gái.”

“Bên đàng trai đến giờ đãi thì người ta mới đến nên chính quyền bất ngờ mà cả xóm cũng không ai biết,” bà nói và cho biết rằng những người được mời đi dự đám cưới đến nơi thấy tình hình xảy ra như vậy đều “rất bất ngờ”.

Bà nói thêm rằng trước đó gia đình bên “đàng gái” không ra chính quyền đăng ký kết hôn cũng không xin phép địa phương tổ chức đám cưới này.

Khi nghe tin cặp đôi này đang làm lễ thành hôn cũng như có rất đông người hiếu kỳ tụ tập, bà Oanh cho biết bà đã chỉ đạo công an, dân phòng đến để “ngăn chặn sự việc”.

Bà nói công an đã dẹp tấm ảnh cưới cỡ lớn của “cô dâu chú rể” đặt trước rạp cưới và mời gia đình đến trụ sở công an phường làm việc vì “không ai cho phép”.

Công an đã “giáo dục gia đình”, bà Oanh cho biết, tuy nhiên gia đình “cũng có năn nỉ xin cho khách đến lỡ rồi thì cũng ̣để cho người ta ăn xong mới đi về”.

“Chúng tôi cũng du di cho người ta (khách đến dự đám cưới),” bà kể, “Người ta rất ngại khi đang ngồi ăn mà công an đến giải tán.”

“Chúng tôi cử lực lượng xuống giải tán đám đông và mời gia đình và hai em đi khỏi nơi tổ chức đám cưới,” bà cho biết.

Bà Oanh nói trong buổi làm việc này thì gia đình đã cam kết không cho “cô dâu, chú rể” trở lại buổi tiệc để người hiếu kỳ không tụ tập nữa và “hai đứa đã tự giác bỏ đi”.

Rời khỏi địa phương

Bà kể rằng khi khách khứa vẫn còn đang ăn tiệc cưới thì hai người đã “lên xe đò ra khỏi địa phương” và biệt tích từ đó đến nay.

Chính quyền yêu cầu gia đình cam kết hai nhân vật này “sẽ ra khỏi địa phương” và nếu quay trở lại thì “sẽ bị xử phạt hành chính”, bà Oanh cho biết.

“Gia đình nói xong đám cưới này hai đứa tự đi đâu ở thì đi chứ gia đình không cho ở đây,” bà kể.

“Gia đình cũng nhận khuyết điểm nhưng nói rằng hai đứa nó thương mến nhau quá nên buộc lòng phải tổ chức lễ cưới,” bà nói thêm.

Bà nói chính quyền địa phương không ủng hộ đám cưới này và bản thân bà “cũng thấy bức xúc”.

Còn về dư luận người dân địa phương, bà cho biết “mọi người đều phản đối chứ không ai chấp thuận cho đôi này chung sống với nhau”.

“Nhiều người nói như vậy tại sao mà ba má cũng phải đi mời đám cưới mà còn gạt người ta là gả con gái nữa,” bà nói.

Theo báo chí trong nước thì gia đình hai bên từ chối nói thêm bất cứ điều gì về đám cưới này nữa.

Luật pháp Việt Nam không cho phép những người cùng giới tính kết hôn với nhau, do đó dù hai người trẻ này có tổ chức đám cưới ở Hà Tiên thì họ cũng không được pháp luật thừa nhận.

Trước đó, vào cuối năm 2010, một đám cưới giữa hai nữ sinh viên trường Đại học Raffles cũng được tổ chức ở Hà Nội với sự chứng kiến của cha mẹ, gia đình hai bên và gần 100 khách mời.

Đến tháng Hai năm nay, một đám cưới giữa hai người cô gái khác chỉ mới ngoài 20 tuổi cũng làm xôn xao dư luận ở huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau.