Quân đội điều tra vụ giết khỉ

Bức ảnh trên Facebook của Nguyễn Văn Quang

Nguồn hình ảnh, Facebook

Chụp lại hình ảnh, Cư dân mạng đang hết sức phẫn nộ trước cảnh sát hại thú rừng quá dã man

Binh đoàn Tây Nguyên nói đang “khẩn trương xác minh” nghi ngờ có người của binh đoàn tham gia vụ hành hạ và giết khỉ đang gây phẫn nộ.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải, Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), được dẫn lời nói đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc “khẩn trương xác minh”.

"Nếu đúng là quân nhân của Quân đoàn 3 liên quan đến vụ việc giết voọc quý hiếm này, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo đúng điều lệnh quân đội và pháp luật”, thiếu tướng khẳng định.

Dư luận đang hết sức phẫn nộ trước loạt ảnh mô tả bộ đội sát hại động vật hoang dã một cách dã man.

Loạt ảnh 15 chiếc được một người tên Nguyễn Văn Quang đăng tải trên trang Facebook của mình hôm 11/7, nhưng nay mới bị phát hiện và tung lên một số diễn đàn mạng.

Vụ việc gây quan tâm đến mức cục phó Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Triệu Văn Lực nói sẽ vào tỉnh Quảng Nam để tìm hiểu.

Nguy cơ cao

Trò chuyện với BBC ngày 19/7, một chuyên gia về môi trường nói có thể loài chà vá chân xám (còn gọi là voọc) đã bị giết trong vụ việc đang gây phẫn nộ.

Giáo sư Võ Quý, từ Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), phỏng đoán dựa trên các các tấm ảnh lan truyền qua mạng.

"Đây là loại được xếp vào diện có nguy cơ bị tiêu diệt cao."

"Việc bảo vệ không dễ dàng vì nhiều người đi săn trộm," ông nói.

Cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam nói người thanh niên đang loạt ảnh giết khỉ lên mạng được xác định cư ngụ tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, ông Phan Tuấn, Quyền Chi cục trưởng kiểm lâm của tỉnh, nhận định vụ giết hại có thể xảy ra ở khu vực Tây Nguyên.

“Có thể nhóm người sát hại voọc thuộc đoàn bộ đội công binh đóng ở Tây Nguyên,” ông Tuấn được dẫn lời.

Trong khi đó, giáo sư Võ Quý cho BBC biết thêm về đặc điểm của loài chà vá chân xám.

"Con này rất dễ săn bắt, vì một mặt, nó sợ người. Nhưng khi thấy người, nó vừa chạy vừa ngoảnh lại xem người ở đâu."

"Nếu người trốn đi, nó lại tò mò, lại gần để xem người đã đi đâu. Người đi săn mà biết điều đấy, rất dễ bắt," ông cho biết.

Ông nói cần có hình phạt tương xứng cho vụ giết hại con vật có nguy cơ tuyệt chủng.

"Nên thông báo rộng rãi, giáo dục và có lẽ cần hình phạt tương xứng để răn đe," ông nói.