Bỏ phiếu tín nhiệm ở VN có khả thi?

Quốc hội Việt Nam hôm khai mạc kỳ họp thứ 3

Nguồn hình ảnh, VOV

Chụp lại hình ảnh, Bỏ phiếu tín nhiệm là một nội dung được bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội lần này

Một trong những nội dung mà các đại biểu Quốc hội hiện đang thảo luận trong kỳ họp thứ 3 là có hiện thực hóa việc bỏ phiếu tín nhiệm các lãnh đạo Nhà nước hay không.

Hôm thứ Hai ngày 28/5, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận nhóm về vấn đề này. Theo báo chí trong nước thì các nội dung thảo luận xoay quanh việc có cho phép bỏ phiếu tín nhiệm hay không về nếu có thì sẽ thực hiện như thế nào.

BBC đã liên lạc nhà sử học Dương Trung Quốc hiện đang là đại biểu Quốc hội để tìm hiểu ý kiến của ông về vấn đề này.

Khó khăn

Theo ông Quốc, việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được đề cập trong Hiến pháp từ lâu nhưng lâu nay không thực hiện được do vướng những quy định làm nó trở nên ‘bất khả thi’.

Ông dẫn chứng là yêu cầu việc bỏ phiếu tín nhiệm phải do Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc ít nhất 20% số đại biểu quốc hội, tương đương với 100 đại biểu, đề xuất thì mới được tiến hành.

“Hơn 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên,” ông nói, “Họ phải hành xử theo quy định của tổ chức của mình.”

“Rõ ràng thực tế cho thấy bao lâu nay không thực hiện được (việc bỏ phiếu tín nhiệm) vì không bao giờ đạt được điều kiện tiên quyết như thế cả,” ông giải thích.

Do vấn đề này bị ngâm quá lâu nên tạo ra những bức xúc xã hội, ông cho biết, và càng gần đây thì người ta càng nhắc nhiều đến việc thực thi ‘điều khoản này của Hiến pháp’.

Ông cho rằng Quốc hội hiện đang có ‘sự nhất trí cao’ để thúc đẩy vấn đề này.

“Có ý kiến nêu là cứ làm tự động thôi, cứ đương nhiên mỗi kỳ lấy ý kiến cho tất cả đối tượng được Quốc hội bầu ra,” ông cho biết.

Theo thống kê thì các chức danh do Quốc hội bầu ra có đến hơn 400, ông cho biết, nên ‘phải tính thế nào cho khả thi’.

Do đó, các đại biểu hiện có ý kiến khác nhau về cách làm như thế nào và với những đối tượng nào và ‘cuộc trao đổi hiện đang diễn ra’ ở nghị trường, ông cho biết.

‘Đảng thấy cần thiết’

Theo ý kiến cá nhân của ông Quốc thì nên giới hạn việc bỏ phiếu tín nhiệm trong phạm vi bộ máy hành pháp vì ‘có liên hệ trực tiếp với lợi ích của người dân’ nên ‘người dân có thế đánh giá được năng lực và hiệu quả của họ’.

“Đại biểu Quốc hội thay mặt cho người dân thể hiện sự đánh giá ấy,” ông nói.

“Không nên làm tràn lan, đại trà theo kiểu tất cả mọi thứ đều đưa ra bỏ phiếu hàng năm,” ông nói, “Nếu có những vấn đề gì nổi lên, nếu có chức danh nào tạo ra những hiệu ứng xã hội cần phải đánh giá thì đánh giá.’

Trường hợp một chức danh nào đó bị bất tín nhiệm, theo ông Quốc, thì trước hết Quốc hội sẽ cảnh báo để vị đó có thể nhanh chóng sửa chữa và nếu sau một thời hạn mà không có tiến bộ thì mới bị bãi miễn.

Về vấn đề liệu việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh cao cấp do Bộ chính trị của Đảng quản lý có ảnh hưởng đến quyền lực của Đảng hay không, ông Quốc nói ‘khi đã đưa vấn đề ra thảo luận tại Quốc hội thì chắc là phía cơ quan Đảng đã cảm thấy sự cần thiết rồi.’

“Nói cho cùng thực ra hoạt động của Quốc hội cũng nằm trong sự lãnh đạo của Đảng,” ông giải thích.

Khi được hỏi tại sao việc bỏ phiếu tín nhiệm được quy định trong Hiến pháp từ lâu mà bây giờ mới được đưa ra thảo luận, ông Quốc dẫn chứng một trường hợp tương tự là quyền biểu tình cũng đến gần đây mới được đặt lên bàn tìm sự đồng thuận để thực thi.

“Quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam cũng cần có một lộ trình,” ông nói, “Dẫu sao cũng đã đi vào nhu cầu của đời sống.”