'Thảm họa truyền thông' ở Việt Nam

Nhà báo Lê Quốc Vinh
Chụp lại hình ảnh, Nhà báo, CEO tập đoàn Le Group Lê Quốc Vinh

Gần đây đã diễn ra tranh luận khá to tiếng ra giữa một số báo trong nước về điều được gọi là 'lá cải' trong làng báo Việt Nam.

Mới đây nhất là việc một nghệ sĩ múa ít được công chúng rộng rãi biết đến bỗng trở nên nổi tiếng và gây tranh cãi.

Cô Michiyo Phạm Ngà, hiện đang làm việc ở Nhật, có những phát biểu khiến một số không ít người cảm thấy bị "động chạm", nhưng cũng nhiều người coi việc những gì báo chí đăng tải là điều họ gọi là lá cải.

BBC Việt Ngữ trò chuyện với ông Lê Quốc Vinh, nhà báo, CEO của tập đoàn Le Group về cái gọi là truyền thông ‘lá cải’ nhân chuyện ồn ào này.

BBC: Sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn của cô Michiyo Phạm Ngà, phản ứng của ông như thế nào?

Ông Lê Quốc Vinh: À, thực ra thì tôi cũng không đọc, tôi chỉ thấy là có rất nhiều người có bình luận về bài báo đó thì tôi cũng tò mò xem thử.

Thực ra thì tôi không quan tâm lắm đến lời phát biểu đó, tôi chỉ nghĩ là đó là cảm nhận của một người xa xứ và một cô gái cũng có ít trải nghiệm ở Việt Nam, cô ấy có lẽ quen biết nhiều với những người ở nước ngoài, ở Nhật, ở phương Tây nhiều hơn là hiểu biết về người Việt Nam.

Với tư cách là một người đàn ông thì tôi không quan tâm nhiều đến những lời bình luận của cô ấy.

BBC: Làm việc trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, theo ông, việc phát biểu quan điểm rất cá nhân, đưa ra chuyện rất cá nhân được thổi thành một trong những chủ đề nóng nhất hiện nay, ông nghĩ sao?

Ông Lê Quốc Vinh: Tôi nghĩ rằng truyền thông hiện đại, truyền thông qua điện tử và mạng internet nó có những cái hay của nó và có những mặt trái của nó.

Một trong những mặt trái là sự tự do hóa khả năng cho một số những người có cơ hội được phát ngôn một cách thoải mái những chuyện riêng tư như vậy, không phải trên một mặt bằng, một khu vực dành riêng cho cá nhân mà lại trên một tờ báo công cộng.

Đó là một trong những mặt trái của nó và có thể là nó tạo ra những phản ứng xã hội mà thực sự ngay bản thân người phát ngôn chưa chắc đã lường trước các hậu quả.

Trở lại câu chuyện của cô Phạm Ngà, tôi cũng thấy là những tuyên bố gây sốc như cô Phạm Ngà và chọn một kênh được coi là một trong những kênh lá cải nhất Việt Nam để đăng tải những thông tin này thì đó là biện pháp tôi nghĩ là mang tính chất câu khách, đánh bóng cho một cá nhân nhiều hơn là việc làm truyền thông một cách nghiêm túc.

Cho nên là những phản ứng như vậy ở trên một tờ báo, những phát ngôn này ở trên một tờ báo có trách nhiệm, có những quan điểm chính thống hơn thì tôi nghĩ là phản ứng nó cũng không đến nỗi mạnh mẽ như thế.

Nhưng một tờ báo như phunutoday thì nó sẽ tạo ra phản ứng trái chiều khác. Cho nên là riêng phản ứng như thế này, ngay cả những người ủng hộ cô Phạm Ngà hay phản đối thì cũng đều đi thái quá.

Tôi cho rằng những gì cô đang phát biểu như thế không đại diện cho bất cứ một người phụ nữ nào, chỉ bản thân cô Phạm Ngà mà thôi.

Điều thứ hai nữa tôi cũng nhận thấy là những điều trải nghiệm, những tuyên ngôn của cô ấy chẳng qua chỉ là dựa trên một số kinh nghiệm rất khiêm tốn của cô ấy để phát biểu thôi, làm sao có thể nhận xét về tất cả số đông đàn ông Việt Nam được.

Nên nếu là những người có cách nhìn tỉnh táo thì sẽ không bị rơi vào bẫy của một số tờ báo lá cải. Và ngay bản thân chủ nhân của phát ngôn này là cô Phạm Ngà thì đó cũng chỉ là một cái bẫy thông tin thôi, không có gì mà đáng quan tâm.

BBC: Nếu bàn về chuyện đàn ông Việt Nam, cá nhân ông thấy đàn ông Việt Nam có những ưu điểm gì, nhược điểm gì, và trong phần bình luận về nhận xét của cô Ngà có người nói cô này thật ra cũng đúng, người lại bảo cô này nói chẳng đúng gì vì không hiểu văn hóa Việt Nam, đàn ông Việt Nam...

Ông Lê Quốc Vinh: Người nào, tức là ở dân tộc nào họ cũng có cái hay và cái dở, tôi không phản đối rằng người Việt Nam, đàn ông Việt Nam không có những điều dở, và nhiều cái mà cô Ngà nêu ra cũng không phải điều xa lạ mà cũng không phải đại diện cho số đông.

Có thể là một số người cũng có tính như cô Phạm Ngà mô tả, thì điều đó tôi cũng không thể phủ nhận được. Nhưng mà ở nước ngoài, đàn ông nước ngoài cũng có đầy rẫy những vấn đề khác.

Tôi cũng gặp rất nhiều đàn ông phương Tây mà họ không có sự lịch lãm nhất định, ngay cả những người thuộc những quốc gia nổi tiếng về lịch lãm như là Pháp, Ý, tôi đã gặp những người không lịch lãm chút nào cả. Nhưng tôi không thể nào kết luận là dân tộc đó, người đàn ông đó không lịch lãm, đúng không ạ?

Cho nên, về phía những người đàn ông Việt Nam mà nói thì tôi cho rằng, bản thân người Việt Nam, Á Đông có những khó khăn trong nhận thức để có thể dễ dàng tiếp thu văn hóa của phương Tây, và tôi cũng không khuyến khích người Việt Nam cứ phải theo văn hóa phương Tây.

Mỗi dân tộc có giá trị của nó, cho nên những đặc trưng của đàn ông Việt Nam có thể là không bộc lộ ra bên ngoài mạnh mẽ, không thẳng thắn bày tỏ những tình cảm của mình; nhất là trong vấn đề tình dục thì tất nhiên là người Việt Nam hay người Á Đông khó có thể thể hiện ra bên ngoài được.

Nên tôi cho rằng người Việt Nam ngày hôm nay đa số, rất nhiều người lịch lãm. Tôi làm tờ tạp chí cho đàn ông cũng là mang lại văn hóa lịch lãm cho đại đa số những người đàn ông ở thành thị và tôi biết là bạn đọc của chúng tôi có những bạn đọc rất hiều văn hóa hiện đại tuy nhiên rất nhiều người trong đó vẫn giữ văn hóa truyền thống Việt Nam.

BBC: Trở lại với việc cô Ngà trả lời phỏng vấn như thế có phải là chiêu trò đánh bóng tên tuổi? Gần đây khi đọc lướt qua báo mạng, tạp chí mạng ta có thể thấy rất nhiều những cái như thế này...

Ông Lê Quốc Vinh: Gọi là thảm họa. Người Việt Nam chúng ta đang quen với một cái gọi là ‘thảm họa truyền thông,’ thảm họa của những tờ báo lá cải.

Bài phỏng vấn Michiyo trên phunutoday.vn
Chụp lại hình ảnh, Bài phỏng vấn Michiyo Phạm Ngà trên phunutoday.vn gây xôn xao dư luận.

Tôi nói thật những chuyện như thế này chúng tôi cũng tranh luận rất nhiều. Những sản phẩm báo chí, cái này vẫn là báo chí, có thể vẫn gọi như thế, nhưng mà là một trường phái báo chí chúng ta chỉ có thể thấy ở Việt Nam chứ không thể thấy ở bất cứ nước nào khác trên thế giới, là moi móc những chuyện riêng tư, thậm chí là thổi phồng lên cả những cái chuyện mà rất nhỏ thành to, đấy là những chiêu trò của một nhóm báo chí muốn câu khách bằng những thông tin kiểu như vậy.

Ở Anh quốc, bạn cũng rất khó tìm ra được những loại bài báo như vậy trên báo chí ở Anh quốc hay ở Mỹ. Nhưng ở Việt Nam thì cái quan điểm về ‘lá cải’ nó hơi khác với cái quan điểm về ‘lá cải’ ở phương Tây.

Tôi cho đấy thực sự là những thảm họa. Và đây là trách nhiệm không phải là trách nhiệm của những người phát ngôn đâu. Như tôi nói ngay từ lúc đầu là tôi không trách những người như cô Phạm Ngà phát biểu như vậy, mà tôi trách những người làm báo.

Những người làm báo mà moi móc khía cạnh như vậy để đưa lên mặt báo thì đấy là phương pháp làm báo mà nếu dân chúng cứ bị mê hoặc, cứ chạy theo những loại báo chí như vậy thì tôi nghĩ câu chuyện thảm họa đó không chỉ dừng lại ở chuyện một cô gái mà nó sẽ ảnh hưởng đến cả xã hội.

BBC: Vậy chuyện của cô Michiyo này có thuộc 'thảm họa truyền thông'?

Ông Lê Quốc Vinh: Vâng, tôi gọi nó là thảm họa truyền thông, mặc dù sự xôn xao ngày hôm nay chưa đủ lớn để có thể trở thành thảm họa nhưng nó là mầm mống của một kiểu thảm họa.

Thảm họa ở đây tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa đây là thảm họa được khởi xuất từ một sự cố ý, tức là một... nhu cầu của tờ báo mà đăng tải thông tin này.