Trại hổ VN bị nghi tuồn hàng lậu

Các trại nuôi hổ hợp pháp của Việt Nam đang bị nghi ngờ là đường dây cung cấp cho chợ đen trá hình.

Tiger
Chụp lại hình ảnh, Việc Chính phủ Việt Nam hợp thức hóa các trại nuôi nhốt hổ của các tổ chức, tư nhân trong nước bị cho là tiếp tay cho sự tuyệt chủng của loài này trong khu vực.

Hãng thông tấn Associated Press (AP) ngày 28/7 đưa tin kết quả điều tra của phóng viên Mike Ives trong một chuyến thăm một trại nuôi hổ ở Bình Dương.

“Nơi đây nhìn giống như một thảo cầm viên, tuy nhiên người ngoài không được vào,” AP đưa tin.

“Cơ sở này nhân giống hổ, tuy nhiên chưa bao giờ công bố bất kỳ chương trình bảo tồn chính thức nào, cũng như chưa bao giờ bán bất kỳ con hổ nào cho thảo cầm viên.”

Giới quan sát cho rằng tất cả 11 trại nuôi hổ có đăng ký giấy phép tại Việt Nam là tiền tuyến của các đường dây buôn bán bộ phận cơ thể hổ để sử dụng làm thuốc.

Một quản lý trại nuôi hổ tại Bình Dương, ông Lương Thiên Đan nói các cáo buộc trên là vô lý, và giải thích rằng việc nuôi nhốt hổ tại đây là xuất nguồn từ sự yêu thích động vật từ phía ban quản lý, vốn được tài trợ bởi một công ty bia.

“Lúc đầu chúng tôi chỉ giữ chúng như thú nuôi, nhưng sau đó chúng bắt đầu sinh sôi nảy nở, chúng tôi rất phấn khích và muốn mở rộng nhân giống.”

Tuy nhiên ông Đan không giải thích được rằng, làm sao phía ông có được những con hổ đầu tiên, cũng như không chịu trả lời câu hỏi có bao nhiêu con hổ đã chết trong trại kể từ lúc đó.

Các chuyên gia bảo tồn động vật đánh giá rằng, các trại nuôi hổ có giấy phép tại Việt Nam được sử dụng để hợp pháp hóa việc bắt nhốt loài động vật hoang dã này, sau đó các bộ phận cơ thể từ xác những con bị chết được đem ra bán trên chợ đen.

Nhà nước “giúp” thú hiếm tuyệt chủng?

Từ năm 2007, việc các tổ chức cá nhân mua và nuôi nhốt hổ tại Bình Dương đã bị Chính phủ Việt Nam cáo buộc là trái với pháp luật Nhà nước và Quy định trong công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về bảo vệ động vật hoang dã.

Mặc dù viêc nuôi nhốt hổ tại Bình Dương bị kết quả điều tra của Cục Kiểm Lâm chứng minh là không có nguồn gốc hợp pháp, tuy nhiên vụ việc không được giải quyết ngay sau đó.

Sau đó, vào tháng Ba cùng năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại thông qua kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép các tổ chức, cá nhân này tiếp tục được nuôi “thí điểm” hổ và các động vật hoang dã quí hiếm khác dưới sự chỉ đạo của Bộ và Ủy ban Nhân Dân tỉnh.

Giới đánh giá cho rằng, việc chính phủ Việt Nam hợp pháp hóa việc nuôi nhốt hổ là chính thức tiếp tay đưa loài động vật quý hiếm này đến bờ tuyệt chủng.

Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã WWF tuần trước đã xếp Việt Nam là nước yếu kém nhất trong việc bảo tồn động vật quí hiếm, đồng thời hai tháng trước đó cũng đã lên án đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vì cho phép các bộ phận của những con hổ bị chết trong lúc nuôi bị chế biến thành thuốc dưới sự giám sát của Bộ.

Lợi nhuận kiếm được từ việc buôn bán trái phép các sản phẩm xuất nguồn từ động vật hoang dã trong khu vực Đông Nam Á đang mang lại cho các chủ buôn lợi nhuận từ 8 cho đến 10 tỉ đô la mỗi năm.

Các loài động vật bị nhắm đến nhiều nhất vẫn là hổ, tê giác và một số loại động vật khác ít được biết đến hơn.