Cập nhật: 14:51 GMT - thứ tư, 30 tháng 3, 2011

Nhu cầu đại diện cho người khuyết tật

Nguyễn Công Hùng (giữa) chụp hình lưu niệm trong chuyến thăm VN gần đây của tài tử Lý Liên Kiệt (phải)

Theo Luật bầu cử quốc hội của Việt Nam thì mọi công dân từ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có thể được bầu vào Quốc hội, trừ những người bị mất trí hoặc bị pháp luật tước quyền công dân. Nhưng quyền đó có được bảo hộ và thực thi như thế nào trong thực tế lại là chuyện khác.

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Công Hùng, 29 tuổi, quê quán ở Nghệ An, hiện đang sống tại khu đô thị mới Linh Đàm, Hà Nội.

Ông Hùng là một chuyên gia về tin học. Ông hiện là Uỷ viên ban cố vấn Hội tin học trẻ Việt Nam và làm Giám đốc Công ty cổ phần Nghị Lực Sống, chuyên giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho người khuyết tật với hai nội dung chính là Ngoại ngữ và CNTT.

Ông cho biết đã tự ứng cử và được nhiều hoan nghênh ủng hộ nhưng trong buổi tiếp xúc với cử tri ở địa phương, mọi người có những quan ngại về sức khỏe và đi đến kết luận là ông Hùng không đủ tiêu chuẩn để ra ứng cử vào quốc hội.

Bị sốt bại liệt từ nhỏ ông Hùng phải ngồi xe lăn và luôn cần có người trợ giúp bên cạnh.

Dân biểu mù bẩm sinh David Blunkett từng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Bộ Nội vụ trong chính phủ Anh

Ông cũng nhìn nhận với BBC: ''Nếu phải tham gia liên tục một năm mấy trăm cuộc họp thì tôi nghĩ tôi không đủ sức khỏe.''

''Nhưng nếu có những việc đặc trách, chỉ tham gia những phần cần thiết cho lĩnh vực của người khuyết tật thôi thì tôi nghĩ tôi có đủ sức khỏe,'' ông Hùng nói một cách đầy tự tin.

Ông nói dù biết mình không đủ điều kiện sức khỏe nhưng ông vẫn mạnh dạn tự ứng cử.

''Tôi hy vọng có sự tác động của tôi sau này sẽ có nhiều sự thay đổi hơn,'' ông nói.

''Để cho những người khuyết tật có sức khỏe hơn tôi trong những năm tới, trong nhiệm kỳ tới thì những người đó họ có thể là sẽ mạnh dạn hơn trong việc tự ứng cử quốc hội.''

Thiếu tiếng nói

Sinh ra trong một gia đình có hai anh em đều bị khuyết tật như nhau, ông Hùng tin rằng những người yếu thế trong xã hội cần được đại diện tốt hơn trong quốc hội.

''Nếu có thể được trong quốc hội mỗi khi có quyết đ̣inh về chính sách dành cho người khuyết tật thì nên cho đại diện của người khuyết tật có được quyền bấm nút để người ta có tiếng nói.''

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Ông Hùng nói cần cải tiến vấn đề chăm sóc y tế cho người khuyết tật được thỏa đáng hơn, và nên xem lại lĩnh vực đào tạo.

''Ở Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo cho người khuyết tật nhưng học xong ra không tìm được việc làm do cung nhiều hơn cầu hoặc đào tạo không đúng nghề.''Bấm Bấm vào đây để đọc phỏng vấn

Cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ được tổ chức ngày 22 tháng Năm tới đây.

Các đại biểu quốc hội được cử tri bầu chọn trực tiếp bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo nguyên tắc phổ thông và bình đẳng.

Hiện thời cương vị Chủ tịch Quốc hội là do Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề cử, cho dù theo Hiến pháp Việt Nam Quốc hội hoạt động độc lập với Đảng cầm quyền.

Từ chỗ bị xem là không có thực quyền trong những năm gần đây, Quốc hội Việt Nam được đánh giá là có nhiều biến chuyển, giành tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc gia và cũng tăng cường chức năng giám sát hoạt động của Chính phủ một cách hiệu quả hơn.

Năm 2010, các kỳ họp quốc hội đã trở nên sôi động hơn trước rất nhiều với các phiên chất vấn, bàn thảo về các chủ đề quốc kế dân sinh nóng bỏng như các dự án bauxite Tây Nguyên hay công trình tàu cao tốc Bắc-Nam.

BBC © 2014 BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.

Trang này hiển thị tốt nhất với phần mềm lướt mạng có mở CSS. Nếu không có chức năng này, hoặc phần mềm cũ, bạn vẫn đọc được nội dung trên trang này nhưng không tận dụng được hết các chức năng. Nếu có thể hãy nghĩ đến chuyện nâng cấp phần mềm hoặc mở CSS lên.