Cập nhật: 13:46 GMT - thứ ba, 29 tháng 3, 2011

Việt Nam cần phòng chống động đất

Sau các trận động đất lớn ở Nhật Bản và Miến Điện và chấn động lan tới cả Hà Nội trong tháng 3 năm nay, giới khoa học và dư luận quốc tế đều quan tâm đến chủ đề động đất.

Chủ đề an toàn cho các khu vực đông dân cư trước động đất cũng được nêu ra.

Giới khoa học ghi nhận sức địa chấn khủng khiếp của trận động đất tại Nhật Bản 11/3 vừa qua

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho BBC biết về nguy cơ động đất tại Việt Nam và các biện pháp phòng chống.

Trả lời BBC Tiếng Việt, đầu tiên, ông giải thích về cấu trúc vỏ Trái Đất và nguyên nhân gây ra các trận động đất lớn vừa qua tại châu Á:

GS Nguyễn Đình Xuyên: Thạch quyển, tức vỏ cứng của trái đất dày chừng 120 km, chia thành nhiều lớp, trên là vỏ, dày chừng 3 km. Do tác động bên trong lòng đất, thạch quyển bị vỡ ra thành các mảng, trôi dạt, xô đẩy theo các phương khác nhau. Mảnh Đại Tây Dương là một đới giãn nở, đẩy một bên trôi về phía Đông, một nửa về phía Tây. Bên Thái Bình Dương này thì cũng có một đai khác, chia vỏ thạch quyển chạy dọc bờ Thái Bình Dương cả bên đông và tây. Mảng Âu - Á trôi về phía Đông, trong khi đó, ở bên vùng Thái Bình Dương, mảng Thái Bình Dương lại trôi về phía Tây. Hai mảng này va chạm vào nhau, tạo thành một đai nén ép rất mạnh, chạy dọc hai bờ Thái Bình Dương.

Cũng như vậy, mảnh Âu - Á lại chạy theo đường từ Địa Trung Hải, qua Trung Á, xuống Ấn Độ Dương. Một mảng khác là Úc - Ấn Độ Dương lại chạy lên, va chạm với mảng Âu Á, gây biến dạng rất lớn và tạo thành dãy Himalaya. Còn có các mảng nhỏ nữa, và các mảng cả lớn và nhỏ đều đang chuyển động, chịu tác động từ trong lòng đất, tách giãn, va chạm. Những danh giới giữa các mảng như vậy tạo thành các vành đại chuyển động rất mạng, gây ra động đất, núi lửa.

Ở châu Á thì hai vành đai lớn nhất là Vành đai Thái Bình Dương từ Alaska qua Nhật Bản, chạy xuống Đài Loan, Phililppines và ra biển Thái Bình Dương. Phía Tây có mảng Địa Trung Hải - Himalaya, kéo dài từ Trung Á xuống Ấn Độ Dương, xuống ôm lấy Indonesia và ra gặp mảng Thái Bình Dương bên kia.

BBC: Vụ động đất tại Miến Điện vừa rồi có liên quan gì đến va chạm hay động đất trước tại Nhật Bản không, thưa ông?

Đây là hai vành đai động đất mạnh nhất, tập trung ở hai đới này. Tại Thái Bình Dương tính trung bình cứ 140 năm động đất ở một điểm lặp lại một lần, như hôm nọ ở Nhật Bản. Sự kiện tại Nhật là một trong những trận lớn nhất xảy ra trên Vành đai Thái Bình Dương. Nó gây ra một rung động rất mạnh của toàn Trái Đất. Ở chỗ nào trên vành đai động đất mà năng lượng đã được tích lũy đềugây ra động đất.

Vết nứt rõ sau động đất ở Miến Điện hôm 24/3

BBC: Riêng trường hợp vừa qua ở Miến Điện thì sao?

Miến Điện cũng nằm trên vành đai này, cũng là vành đai có động đất lớn ở Sumatra năm 2004. Hôm trước đới phát sinh động đất đo được là 7,1 độ Richter, tại đây, động đất tp 7,1-7.5 độ Richter đã xảy ra nhiều lần rồi. Chạy doc theo biên giới giữa Vân Nam, Trung Quốc, chạy dọc xuống biên giới Lào Thái. Còn chuyện Hoa Kỳ đo được 7, ta đo được 6,8 thì là vì đo có sai số về độ Richter thôi.

BBC: Vụ dư chấn ghi nhận được ở Hà Nội thì thế nào?

Một vụ động đất mạnh gây ra sóng từ chấn truyền ra xung quanh. Ở ta, sóng truyền đến Hà Nội, cách 1000 km là cấp 4, nhưng lên dọc Tây Bắc tới Điện Biên Phủ, nơi gần hơn nó sẽ mạnh lên cấp 5-6.

BBC: Còn về Thủy Điện Sơn Là thì cũng có ý kiến lo ngại, vậy động đất có ảnh hưởng không?

Không. Vì nếu có động đất tác động tới Thủy Điện Sơn La thì phải xảy ra ở đới nứt gãy gần thủy điện. Ở nước ta, những trận mạnh nhất xảy ra trên đới sông Mã, thì mạnh nhất cũng chỉ đến 6,8 -7 độ Richter mà thôi. Thủy điện Sơn La lại nằm xa những đứt gẫy này, và trên đứt gẫy sông Đà, nên đối với công trình này thì có nguy hiểm như vậy nên đã tính toán đầy đủ, cẩn thận cả rồi, để chống động đất tại Việt Nam chứ không phải từ xa.

BBC:Các biện pháp đó đảm bảo được không và được bao nhiêu phần trăm?

Khi xây dựng một công trình quan trọng như Thủy điện Sơn La, người ta phải đánh giá rất cẩn thận, kỹ càng rung động động đất ở nơi xây. Người ta đã tính là đứt gẫy gần Thủy điện Sơn La, và tính cả gia tốc rung động của đất dưới nền công trình và đã đưa ra các giải pháp làm sao chịu được tới cấp 8. Nên theo tôi, Thủy điện Sơn La là an toàn.

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

BBC:Còn tại Hà Nội thì sao, về việc xây cất nhà cao tầng gần đây người ta cũng nói về cách phòng chống động đất?

Những chấn động ngoài xa, kể cả những trận lớn nhất ngoài nước mình thì không nguy hiểm với Việt Nam. Còn ở Việt Nam nguy hiểm là động đất xảy ra tại các đứt gẫy của Việt Nam. Hà Nội nằm trên hai đứt gẫy sông Hồng, rất lớn chạy từ Vân Nam, Trung Quốc ra Biển Đông, theo hướng Đông Bắc - Tây Nam.

Một đứt gẫy lớn nữa là sông Chảy, từ Lào Cai, chạy ra biển, song song với sông Hồng. Hai đứt gẫy này có thể hoạt động, phát sinh động đất tới 6,1 độ Richter. Hà Nội nằm giữa hai đứt gẫy này nên các giải pháp phòng chống động đất cho Hà Nội là rất quan trọng.

BBC: Tức là chưa có biện pháp gì?

Về biện pháp thì người ta đã đánh giá chấn động trong tương lai, và đưa ra những giải pháp chống lại động đất khi xây dựng cho các công trình khác nhau. Nước mình cũng vừa phát hành Quy phạm xây dựng Việt Nam, trong đó có tiêu chuẩn chống động đất cho các công trình. Nếu người ta làm đúng các quy định thì có thể an toàn.

Động đất hôm 24/3 ở Đông Nam Á khiến một số cư dân đô thị Hà Nội hoảng sợ

BBC: Nếu không làm đúng thì sao?

Thì khi xảy ra động đất, công trình sẽ bị hư hại. Ví dụ quy định là công trình quan trọng, chống động đất cấp 8 thì khi xảy ra động đất cấp 8, công trình sẽ không bị hư hại. Còn nếu chỉ thiết kế đến cấp 7 thì nhà sẽ đổ.

BBC: Theo ông, các công trình cao tầng như ở khu Mỹ Đình và các khu đô thị mới đã an toàn chưa?

Trước đây không có quy định phòng chống chấn nên chỉ các công trình rất quan trọng mới phòng chống chấn. Còn gần đây, các công trình cao tầng, như các khách sạn cao tầng ở Hà Nội, hay nhất là của nước ngoài thì người ta chú trọng đến điều này. Các công trình lớn như thủy điện đều được tính toán phòng chống chấn.

BBC: Về điện hạt nhân ở Ninh Thuận thì sao thưa ông, khu vực đó có động đất gì không?

Đó là vùng cũng có động đất nhưng có thể xảy ra ở ven biển, còn chính chỗ định xảy điện hạt nhân thì không có động đất lớn. Khi khảo sát tiền khả thi thì người ta cũng tính đến chống động đất cấp 8. Chính phủ nay đã chuẩn bị mời nước ngoài như Nga, Nhật vào xây dựng điện hạt nhân thì khi vào họ sẽ phải đánh giá lại, khảo sát lại. Tôi nghĩ với công trình quan trọng như thế người ta không thể bỏ lơ việc chống động đất được.

BBC © 2014 BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.

Trang này hiển thị tốt nhất với phần mềm lướt mạng có mở CSS. Nếu không có chức năng này, hoặc phần mềm cũ, bạn vẫn đọc được nội dung trên trang này nhưng không tận dụng được hết các chức năng. Nếu có thể hãy nghĩ đến chuyện nâng cấp phần mềm hoặc mở CSS lên.