Lo ngại về bức tranh kinh tế Việt Nam

Lệnh cấm buôn bán, giao dịch bằng đô la và tin rằng chính quyền cũng không cho mua vàng miếng đang gây tâm lý lo lắng trong dân chúng Việt Nam.

Cùng lúc, các bình luận từ bên ngoài cho rằng chỉ số kinh tế của nước này đang tiếp tục tụt giảm.

Hãng Blomberg hôm 15/3 chạy tin rằng trái phiếu chính phủ của Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm người mua.

Mọi việc xảy ra trong bối cảnh chỉ số tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, xuống 5.4-5.6 phần trăm trong quý I năm nay, từ 7.34 phần trăm trong quý IV năm 2010.

GDP của Việt Nam cũng sẽ bị chậm lại trong khi chính quyền đang tìm mọi cách giảm độ nóng của cơn số lạm phát hai chữ số.

Cũng trong quý I năm nay, theo Reuters trích nguồn của chính phủ Việt Nam, thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam có thể giảm đi, xuống 3 tỷ đôla trong, từ 3,1 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng trong dân chúng, các lệnh bắt các vụ "giao dịch đô la trái phép", và tin rằng vàng miếng cũng bị cấm buôn bán, đang gây xao động.

Theo Bloomberg, giá đô chính thức ngày 15/3 vẫn không đổi ở mức 20.866 VND.

Nhưng có tin tức chưa được kiểm chứng nói tại các đô thị như Hà Nội đang xảy ra chuyện tích trữ đôla một cách lén lút.

Lùng mua nữ trang

Ngoài ra, người ta cũng đang lo ngại tác động của lệnh cấm buôn bán vàng miếng, khiến một số nơi xảy ra chuyện lùng mua vàng nhẫn hoặc nữ trang.

Câu chuyện càng trở nên kỳ lạ trong bối cảnh nước láng giềng Trung Quốc không chỉ không cấm buôn bán vàng, mà ra chính sách nhập khẩu vàng thật nhiều để cung cấp cho thị trường.

Báo chí quốc tế trích nguồn của World Gold Council cho rằng Trung Quốc đã tiêu thụ 579,5 tấn vàng trong năm 2010, so với Hoa Kỳ là 233,3 tấn.

Để đáp ứng nhu cầu mua bán vàng, trong năm 2010, Trung Quốc đã nhập số vàng nhiều gấp năm lần so với năm 2009.

Các báo Việt Nam cũng nêu ra câu hỏi về quyết định cấm buôn bán vàng của nhà nước.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm nay nêu tựa đề: "Cần xem xét lại việc cấm hẳn kinh doanh vàng miếng", còn VnExpress chạy tin "Đề xuất lập sàn giao dịch quốc gia để cứu thị trường vàng".

Cùng lúc, các bình luận từ bên ngoài cho rằng chỉ số kinh tế của nước này đang tiếp tục tụt giảm.

Phải làm gương

Bức tranh chung của kinh tế Việt Nam hiện không được tươi sáng, theo một bình luận hôm 14/3 của David Koh, tiến sĩ chuyên về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Đông Nam Á ở Singapore.

Việt Nam cần phải chỉnh sửa nhiều cách điều hành nền kinh tế

Nguồn hình ảnh, vietnam

Chụp lại hình ảnh, Việt Nam cần phải chỉnh sửa nhiều cách điều hành nền kinh tế

Ông David Koh, người thạo tiếng Việt sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam cho rằng "chính phủ yếu kém" (poor government) là lý do chính cho bức tranh xấu hiện nay.

Các hiện tượng ông nêu ra gồm có nợ nước ngoài tính đến tháng 3/2011 của chính phủ Việt Nam lên tới 29 tỷ đôla, trên 42% GDP.

Dự trữ ngoại tệ chỉ còn chưa đầy 50% khoản nợ.

Ông David Koh nêu ra viễn cảnh nếu các chủ nợ "cùng đòi 29 tỷ đôla vào ngày mai, thì chính phủ Việt Nam sẽ không đủ tiền trả".

Đó là chưa kể nếu dự trữ ngoại tệ rơi xuống thấp hơn mức 4 tỷ đôla tiền lãi suất phải trả hàng năm, thì điều gì sẽ xảy ra?

Vì thế, trong giai đoạn trước mắt, theo ông, tình hình sẽ không khả quan hơn.

Theo nhà nghiên cứu từ Singapore, hiện vẫn có các giải pháp nhưng các nước xung quanh cũng cần xét đến phương án Việt Nam trở thành "Iceland hay Hy Lạp" của Đông Nam Á.

Còn riêng với chính phủ tại Hà Nội, ông David Koh đề nghị họ có các biện pháp cắt giảm chi tiêu cụ thể, bằng chính sách chặt chẽ và bằng các ví dụ của chính các quan chức.

Ông nêu ra tình trạng quan chức nhà nước đi thăm nước ngoài vẫn kéo theo các phái đoàn đông đảo và dùng chuyên cơ do Hàng không Việt Nam cung cấp.

Trong khi đó, tại không ít quốc gia, các lãnh đạo đang làm gương về chuyện cắt giảm chi tiêu của chính họ, như dùng hàng không giá rẻ để đi nước ngoài.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Mời quý vị bấm vào Mẫu điện thư để chia sẻ các ý kiến về câu chuyện này. Diễn đàn BBC phản ánh quan điểm của bạn đọc, không nhất thiết trùng lặp với quan điểm của các thành viên Ban Biên tập:

Thuỳ Linh, Hà nội:

Yên tâm đi, Chính phủ nói cho vui ấy mà! Cái lệnh cấm chụp ảnh cầu Long Biên có từ năm 1965 đến nay có ai ra lệnh bỏ đâu, nhưng cũng chả ai bắt nếu mình chụp! Từ trước đến nay vẫn cấm bán hàng bằng ngoại tệ nhưng cứ vào các nhà hàng khách sạn, cửa hàng Mỹ nghệ thấy toàn thu bằng đô la có sao đâu!

Lê Quốc Hùng:

Tham nhũng ở VN có mọi nơi và mọi lúc làm chảy máu ngân sách vốn đã quá ít do trốn thuế. Ngân sách một đất nước đến từ thuế không nên đến từ việc bán tài nguyên giá rẻ và lợi nhuận áp đặt của các cty nhà nước như thời kỳ bao cấp. Buôn lậu cấu kết với quan chức làm lũng đoạn kinh tế, khó kiểm soát ngoại tệ. An ninh VN nên chĩa vào mặt trận này hơn là vào bất đồng chính kiến.

Hoàng Hải Nguyên, Việt Nam:

Cứ cái gì không quản được thì người ta đề xuất cấm. Cấm buôn bán vàng miếng, đô la, ngoại tệ ở thị trường tự do là vi hiến. Bộ máy phình ra cồng kềnh bội chi ngân sách thì lại đề xuất thu nhiều khoản phí (thuế) rất phi lý, nào là tăng phí đăng ký xe, tàu thuyền, nhà đất, bán ngoại tệ ... người nghèo lãnh đủ. Người dân khó khăn, xăng dầu, điện với cả ngàn mặt hàng tăng giá chóng mặt thì lại phải gánh thêm nhiều loại phí (thuế) thì làm sao mà kiềm chế lạm phát?

Cường, Hà Nội:

Trong điều hành kinh tế hiện nay của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tôi thấy không có gì là mới mẻ và nhất quán. Ngân hàng Nhà nước thi cứ tuyên bố tùm lum nhưng không thực hiện đến nơi. Cứ thích là nói. Nói xong lại không làm. Giá cả hàng hoá dùng cho sinh hoạt hàng ngày ở Việt nam lên cao.Chúng ta cần nhìn nhận và học ở người Nhật Bản. Chính phủ cũng vậy. Thảm hoạ xảy ra với đất nước họ dẫn đến hàng hoá khan hiếm vậy mà giá cả có nhảy múa đâu.

Ẩn danh:

Yếu kém quá. Không chỉ Chính phủ, mà còn cả các "chiên gia kinh tế". Nếu không còn ai khác, thì tốt nhất, mong muốn người dân, là thay ông "ấy" bằng một người nào đó, ví dụ, ông Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng).

Quang Thành, Sài Gòn:

Việc cấm vàng miếng là nông cạn, vì bản chất vàng miếng là một hình thức lưu trữ gọn nhẹ và "hiện đại" hơn vàng xâu (nhẫn) mà thôi. Khi vàng miếng chưa ra đời, người ta vẫn dùng vàng xâu, nhưng giá cả không thống nhất, vì nếu đem tới tiệm khác bán thì mất giá. Trong khi giá vàng miếng được thống nhất trong toàn quốc, dù bán ở tiệm vàng nào cũng vậy. Đó là một tiến bộ của vàng miếng. Suy cho cùng, vàng không làm tiền VND mất giá mà nó chỉ thể hiện giá trị VND tới đâu mà thôi. Cấm sẽ mất tất cả!!!

Vũ Hoàng Hiệp, Hà Nội:

Ở Việt Nam chỉ có duy nhất một đảng cộng sản nên cộng sản muốn làm gì thì làm. Bây giờ Hà Nội không chỉ cấm buốn bán đô la, vàng miếng mà các cây rút tiền ATM hôm qua cũng bị vô hiệu hóa, Nhà nước đã khuyến khích hạn chế dùng tiền mặt, chi tiêu qua thẻ nhưng bây giờ dùng thẻ lại không rút được tiền nên người dân không thể nào hiểu nổi cách làm của Cộng sản.

Duahau, Khánh Hòa:

Khi các quan chức chỉ lo củng cố vị trí và làm giàu bất chính thì "bức tranh kinh tế Việt Nam" họ đâu cần xem. Cách mạng Hoa Nhài ở đâu xa lắm, với mạng lưới tuyên truyền khổng lồ, cộng với sự cấm đoán thông tin và hệ thống luật pháp 'Của Đảng, Do Đảng và Vì Đảng' trong tay, họ đâu sợ ai...

Dove, Hà Nội:

Chính Phủ VN đã quá sốt sắng đóng cửa đầu tư của dân: dẹp hàng rong, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa èo uột, dung túng tiêu cực trong lãnh vực địa ốc, thả nổi lạm phát nên thị trường chứng khoán ốm yếu...Nay lại cấm cửa đầu tư của dân vào vàng và đô la...chắc là dòng kiều hối giảm (khoảng 7 tỷ USD đấy) và Ngân hàng TW lúc giá lên thì ôm vào, giá thấp thì bán ra. Chẳng hiểu nguyên cớ gì mà CP cử mấy gã bất tài và có hội chứng tâm thần ra điều hành kinh tế. Hẳn là dân thiệt, nước thiệt.

Tran Van Phuc:

Trong tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay. Tôi nhận thấy, Chính phủ cần phải đưa ra những chính sách mạnh hơn nữa trong việc tiết giảm các chi phí cho bộ phận hành chính sự nghiệp, đầu tư xây dựng và nhất là việc mua sắm. Lãng phí còn rất nhiều. Cần phải có tư vấn từ các chuyên gia đủ tầm trong nước cũng như nước ngoài.

Vĩnh Long, Việt Nam:

Xã hội Việt Nam ngày càng băng hoại về đạo đức, nhất là cán bộ đảng viên cộng sản. Điều đó dẫn đến việc bắt buộc bao che lẫn nhau. Trong bối cảnh hiện nay, lòng tin của người dân đối với chính quyền Việt Nam rất thấp hay đúng hơn là không còn gì. Những cán bộ đảng viên cộng sản thừa biết điều đó nên những vụ việc xấu liên quan đến cán bộ luôn được che dấu. Chỉ vài tên cóc nhái cấp xã mới được đưa ra xét xử không ngoài mục đích trấn an và một cách tạo lòng tin nơi người dân. Vụ này nhỏ lắm.

Tran Hai, Việt Nam:

Chuyện chính phủ có vấn đề thì quốc gia nào cũng có. Cả thế giới đang rơi vào vòng xoáy của biến động, từ các quốc gia vốn được coi là cường quốc như Mỹ, khối EU... hay các thế lực đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ và cũng chẳng chừa những nước như Việt Nam. Tuy nhiên, có một sự thật đó là sự quản lý không tốt của chính phủ. Bộ máy hành chính cồng kềnh, không tận dụng thời gian làm việc của hầu như mọi cơ quan công quyền và lương công chức không đảm bảo nổi cuộc sống... là một vài sự phản ánh.

Hoàng Lê, Nhật Bản:

Sự thật là Việt Nam đang có một người điều hành chính phủ kém nhất mọi thời đại. Trình độ hiểu biết thấp kém cộng với bản chất "Hai Lúa" của ông làm cho ông ta rất tùy hứng trong chỉ đạo, chủ yếu theo kiểu "đánh du kích". Nhìn vào BCT, những ông "Vua Tập Thể" thời nay, chỉ thấy các vị thạo tuyên truyền, chụp mũ, "leo trèo cắt dán", hô hào và dùng quả đấm thép. Hy vọng VN sẽ sụp đổ nhanh hơn để nhân dân thoát khỏi chế độ toàn trị, xây lại đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"