Liên doanh 10 tỷ USD đổ bể 'do Vinashin'

Dự án liên doanh nhận giấy phép từ năm 2008.
Chụp lại hình ảnh, Dự án liên doanh nhận giấy phép từ năm 2008.

Tập đoàn Lion của Malaysia đổ lỗi các vấn đề tại tập đoàn đóng tàu nhiều bê bối tài chính Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam là những yếu tố dẫn tới việc đổ bể liên doanh nhiều tỷ đôla.

Dự án liên doanh 9.8 tỷ đôla giữa Vinashin và Lion nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng Chín năm 2008, đặt mục tiêu xây một nhà máy thép qui mô, các nhà máy điện và một cảng biển ở tỉnh Ninh Thuận ở miền nam.

Các quan chức Việt Nam hồi tháng trước nói rằng giấy phép đầu tư dự án bị hủy vì điều họ mô tả là "các nhà đầu tư đã không thực hiện cam kết của họ".

"Tập đoàn Lion mong muốn làm rõ rằng thực trạng trì trệ là do các vấn đề về tài chính và quản lý ảnh hưởng đến việc Vinashin không đảm bảo tính liên tục của dự án," công ty của Malaysia cho biết trong một thông báo gửi hãng thông tấn AFP.

Thông báo nói thêm rằng Lion yêu cầu có các điều kiện nhất định, bao gồm cả việc đảm bảo đầy đủ về biểu thuế quan nhập khẩu, sẵn sàng cho dự án đầu tư lớn như vậy.

"Vì những yêu cầu này đã không được đáp ứng, do đó Tập đoàn đã quyết định không tiến hành dự án," thông báo nói.

Giám đốc Sở Kế hoạch Ðầu tư tỉnh Ninh Thuận Phạm Ðồng trước đó nói với hãng tin tài chính Dow Jones rằng Tập đoàn Lion đã nắm 75% cổ phần trong dự án nhưng "có khó khăn tìm kiến nguồn vốn".

Ông Đồng cũng nói thêm là cũng có "trục trặc" với các công nghệ đã được lựa chọn.

Do thay đối tác?

Theo luận chứng, dự án liên doanh bao gồm khu liên hiệp thép, nhà máy nhiệt điện và cảng biển với tổng diện tích lên đến 1.650ha mặt đất và 330 ha mặt biển. Công suất nhà máy thép giai đoạn một là 4,5 triệu tấn/năm dự kiến sẽ nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm giai đoạn hai.

Báo Lao Động ngày 24/02 đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc thu hồi giấy phép đầu tư của Liên doanh Vinashin- Lion, đầu tư vào khu liên hiệp thép Cà Ná, Ninh Thuận.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng trong ngày 24/02 nói tháng Chín năm ngoái, UBND tỉnh Ninh Thuận từng đề nghị Bộ Công Thương giới thiệu nhà đầu tư mới cho dự án.

Bài báo nói khi đó, tỉnh cũng muốn Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) là nhà đầu tư thay thế.

Báo này trích dẫn Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Ninh Thuận Phạm Ðồng nói có thể vị trí của dự án khu liên hợp thép huyện Ninh Phước này không mời gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sắt thép nữa và thay vào đó là sẽ chuyển đổi công năng và lĩnh vực thu hút đầu tư không gây ô nhiễm môi trường.

"Trong đó sẽ phát triển cảng biển nước sâu, và thu hút các ngành công nghiệp sạch, khu công nghiệp cho doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như phát triển khu công nghiệp cơ khí phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch ở khu vực Nam trung bộ…

Theo ông Đồng, do vị trí của dự án rất thuận lợi, nên đã có một số nhà đầu tư làm việc với tỉnh để đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh mong muốn kêu gọi đầu tư, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin.

Hồi tháng 12 Vinashin không trả được khoản 60 triệu đôla, phần trả góp đầu tiên trong tổng số khoản đi vay ở nước ngoài 600 triệu đôla trong năm 2007.

Công an Việt Nam đang điều tra và đã bắt giam ông Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin, người bị cáo buộc vi phạm quy định quản lý kinh tế.

Những người khác trong hàng ngũ lãnh đạo tập đoàn cũng bị bắt trong vụ bê bối được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín riêng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các nhà kinh tế hàng đầu trong nước cũng như giới phân tích nước ngoài tỏ ra quan ngại về việc nhà nước dồn tín dụng cho các tổng công ty để kinh doanh vì kém hiệu quả.

Tuy nhiên báo cáo của Chính phủ Việt Nam nói năm 2010 có 20/21 đơn vị thuộc khối tập đoàn, tổng công ty 91 làm ăn có lãi, trừ Vinashin.

Báo cáo này không nói rõ về thực trạng vay nợ của các tổng công ty.