Vụ Mường Nhé: Có trẻ em 'ốm chết'?

Trẻ em ở Mường Nhé

Nguồn hình ảnh, internet

Chụp lại hình ảnh, Quan chức Việt Nam nói với báo chí địa phương rằng một em bé đã chết ở trong rừng

Quan chức Việt Nam nói có một em nhỏ bị ốm chết khi người Hmong tụ tập trong rừng đòi thành lập vương quốc riêng tại huyện Mường Nhé.

Báo VietnamNet trích lời ông Mùa A Sơn, Chủ tịch tỉnh Điện Biên lên án các diễn biến gần đây tại Mường Nhé và nói thêm:

"Trong những ngày vừa qua, một số phần tử xấu đã có hành vi lừa gạt, lôi kéo bằng những luận điệu mê tín dị đoan, thậm chí chúng còn khống chế bà con người Mông, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em ở bản Huổi Khon và một số bản lân cận...tụ tập trong rừng, rêu rao về cái gọi là "thành lập vương quốc Mông".

"Do thời tiết xấu, điều kiện ăn ở không hợp vệ sinh, một số bà con bị đau ốm, trong đó có một cháu nhỏ bị ốm chết."

Chính quyền Việt Nam không cho các phóng viên nước ngoài đến hiện trường và các báo trong nước cũng chỉ trích đăng lại tin của Thông tấn xã Việt Nam về những gì xảy ra.

Một tổ chức bảo vệ người Hmong ở nước ngoài đưa tin có hàng chục người chết ở Mường Nhé nhưng tin này không thể được kiểm chứng.

'Tự giác trở về'

Ông Mùa A Sơn cũng nói chính quyền đã bắt giữ một số người trong vụ nổi dậy vừa qua.

Tin của Thông tấn xã được VietnamNet trích lại nói chính quyền đã "vận động, giải thích" cho những người nổi dậy và nói thêm:

"Nhân dân đã tự giác trở về nơi cư trú.

"Chính quyền địa phương đã hỗ trợ phương tiện, lương thực, thuốc men và trợ cấp giúp đồng bào ổn định cuộc sống.

"Một số đối tượng có hành vi quá khích đã bị tạm giữ và giao cho lực lượng chức năng quản lý, giáo dục".

Truyền thông Việt Nam hoàn toàn im tiếng về vụ việc cho tới khi các hãng tin nước ngoài đăng tải tin biểu tình ở Mường Nhé.

Cho tới nay cũng chỉ có Thông tấn xã Việt Nam nói rằng đã có phóng viên lên Điện Biên.

Người Hmong ở Mường Nhé thuộc diện nghèo nhất cả nước và được hưởng ít nhất thành quả của kinh tế thị trường.

Cách sống du canh du cư của họ cũng làm cho các nhà quản lý gặp khó khăn trong việc kiểm soát dân cư và bảo tồn rừng.

Cựu chủ tịch Mường Nhé nói với BBC chính quyền đã có nhiều nhượng bộ trong cuộc biểu tình mới nhất của người Hmong.