Việt Nam còn nhiều thách thức

John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Other

Việt Nam nỗ lực xóa đói giảm nghèo nhưng cần có biện pháp với lạm phát và các vấn đề bảo vệ xã hội, theo ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt Ngữ, ông Hendra cho biết một số nhận định của ông sau nhiệm kỳ năm năm làm việc tại Việt Nam ở cương vị này.

John Hendra: Nói về việc xóa đói giảm nghèo, tôi có bốn nhận định chính. Trước hết phải nói rất ấn tượng về việc xóa đói giảm nghèo tại đây. Việt Nam đứng thứ 2 trong số rất ít các quốc gia, đặc biệt trên phương diện lấy tỉ lệ tăng trưởng cao trong vài năm qua để biến chúng thành những thành quả tiến bộ xã hội.

Một điều rất quan trọng là Việt Nam xóa đói giảm nghèo nhanh hơn rất nhiều nước khác, có thể nói là nhanh hơn hầu hết các nước. Ngoài ra Việt Nam cũng theo đúng lịch trình để đạt gần hết các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG), một số MDG đã đạt được như MDG1 về giảm nghèo và giảm đói phân nửa.

Tuy nhiên còn hai MDG 6 về HIV và MDG 7 về môi trường và bền vững môi trường mà Việt Nam sẽ còn cả một chặng đường dài phải đi qua.

Tuy nhiên tôi cho rằng vẫn còn hai thách thức rất quan trọng cho Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Đầu tiên là vẫn còn những khu vực nhỏ với tình trạng đói nghèo cố hữu ở vùng người dân tộc thiểu số. Theo quan điểm của chúng tôi, chính phủ Việt Nam cần phải có cách tiếp cận định tính mới nhằm giải quyết tình trạng này, và đặc biệt phải thực sự tập trung vào việc kéo người thiểu số cùng tham gia nhiều hơn nữa trong việc đề đạt để có các phát triển kinh tế xã hội cho chính mình.

Một chiến lược xóa đói giảm nghèo mới có mục tiêu cao gấp hai như vậy nhưng có tình trạng nghèo đói mới xuất hiện, đó là nghèo đói thành thị, đặc biệt là ở nhóm dễ bị thương tổn nhất, như người lao động nhập cư và các gia đình nhập cư. Những người này có nhiều nguy cơ nghèo khó gấp đôi, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Và tôi cho rằng đây là lĩnh vực Việt Nam cần theo dõi và giải quyết.

BBC: Liên Hiệp Quốc đã có những khuyến nghị gì với Việt Nam và Việt Nam phản ứng ra sao trước các khuyến nghị đó, thưa ông?

John Hendra: Một khung sườn mới đang được chốt lại để có một cách tiếp cận tổng thể. Đây là một bước đi tích cực, một điều chúng tôi vẫn thường vận động. Chính phủ Việt Nam đang đề ra chỉ tiêu giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số cao gấp đôi. Điều quan trọng là công nhân di trú phải có được các dịch vụ xã hội. Lạm phát cao như chúng ta đang thấy thì người lao động nhập cư và những người lao động không chính thức không được hưởng các dịch vụ xã hội căn bản và vì thế lạm phát càng đẩy họ tới chỗ đói nghèo.

BBC: Ông nói tới lạm phát thì tại Việt Nam hiện đang ở mức rất cao, vậy Liên Hiệp Quốc có khuyến cáo gì với Việt Nam trước tình trạng này thưa ông?

John Hendra: Về vấn đề này có 5 điểm chính. Đầu tiên là Nghị quyết 11 là một biện pháp phản ứng của chính phủ trước tình trạng lạm phát. Chúng tôi cho rằng điều quan trọng là chính phủ Việt Nam duy trì không đi chệch hướng và bảo đảm quyết tâm thực hiện đầy đủ giải pháp toàn diện đó, cả về phương diện tiền tệ và tài chính. Đã có một loạt các biện pháp được thực hiện như là tăng tín dụng và tăng tỉ lệ lãi suất.

Điều thứ hai là trên phương diện tài chính, chính phủ đang xem xét việc giảm các đầu tư khác chừng 10%. Chúng tôi hy vọng nó sẽ dẫn tới phân bổ đầu tư công cộng được hiệu quả hơn. Chúng tôi rất khuyến khích chính phủ Việt Nam phát triển một cơ chế có thể giúp họ ưu tiên đầu tư công cộng xoay quanh các tiêu chí về môi trường và xã hội để các đầu tư công cộng này thực sự tới được các khu vực cần đầu tư nhất.

Thứ ba là Liên Hiệp Quốc rất lo ngại về ảnh hưởng nặng nề của lạm phát cao đối với người nghèo. Vì thế điều quan trọng là chính phủ có biện pháp đặc biệt để bảo đảm trợ giúp tới những người nghèo nhất.

Thứ tư là chính phủ cần tham gia và phải rất minh bạch trên phương diện lập chính sách và phải có chiến lược trao đổi thông tin với công dân Việt Nam, với các doanh gia Việt Nam và quốc tế, về các chính sách mà họ đang thực hiện và ảnh hưởng của các biện pháp đó.

Cuối cùng tôi cho rằng Việt Nam là một nước đang phát triển và những thách thức ngày càng gia tăng mà họ phải đương đầu thực sự là các thách thức xuyên suốt các phản ứng phối hợp của chính phủ và điều quan trọng là phải có một cách tiếp cận toàn diện.

BBC: Ngoài xóa đói giảm nghèo và chuyện lạm phát như ông đã nói thì còn những thách thức gì mà theo ông chính phủ Việt Nam phải đương đầu và ông đã thấy những thay đổi gì sau nhiệm kỳ năm năm tại đây?

John Hendra: Có hai thách thức chính trong vòng năm năm tới. Một là vấn đề bảo vệ xã hội, và thực sự phải chuyển từ cách tiếp cận trung hạn và dài hạn sang cách tiếp cận toàn cầu trong vấn đề này.

Vấn đề thứ hai là vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là một thách thức với Việt Nam, và cũng là thách thức của nhiều nước khác trên thế giới. Nhưng điều quan trọng là Việt Nam phải rời bỏ chương trình với các mục tiêu quốc gia và cần có một chiến lược về biến đối khí hậu và có nhiều biện pháp trên phương diện thích ứng.

Một thách thức trước mắt là các mô hình kinh tế mới vào khi Việt Nam đang phát triển nhanh để gia tăng giá trị và sức sản xuất. Và một thách thức nữa là tình trạng chênh lệch mức sống và thiếu công bằng mà tôi nghĩ cũng là điều sẽ dẫn tới việc hợp lý hóa cách tiếp cận đối với việc giảm nghèo và đặc biệt tập trung vào các vùng dân tộc thiểu số.