Cập nhật: 10:31 GMT - thứ tư, 4 tháng 5, 2011

Người Hmong ở Mường Nhé 'bạo động'

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Một số nguồn tin, nay được chính quyền địa phương xác nhận, nói có 'bạo động' tại huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, miền Tây Bắc Việt Nam từ mấy ngày qua.

Sự việc, theo một số nhân chứng cho BBC hay, đã bắt đầu hôm 30/4 tại vùng của người thiểu số Hmong.

Các trang mạng tiếng Việt cũng có nhiều tin tức không đầy đủ từ vài ngày qua về tầm vóc của vụ bất ổn và số dân tham gia, mà có người tin là "lên tới 5000".

Được biết, một số đơn vị cảnh sát cơ động và hàng trăm bộ đội được điều đến cùng máy bay trực thăng.

Trả lời BBC qua điện thoại hôm 4/5, nguyên chủ tịch huyện Mường Nhé, ông Giàng A Dình lên án các hoạt động chống đối.

Ông cũng xác nhận "có ngàn người" tham gia vụ việc.

Theo ông Dình việc có những người Hmong đòi một vương quốc tự trị, là chuyện "chỉ gây ra đổ máu".

Ông Giàng A Dình nói: "Tình hình đang ổn định, tất cả nhân dân, một số người chỉ nghe những lời quá khích của những kẻ cầm đầu nhưng nay nhân dân người ta đã tản mát, từng bước trở về nhà rồi,"

"Tất cả những người nói thế này nói thế khác đã không còn lý gì để nói với Đảng Cộng sản, nói với nhân dân, dân tộc Việt Nam nữa."

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Người Hmong cũng đã bắt giữ một số cán bộ địa phương khi đưa ra yêu sách đòi tự do tín ngưỡng và lập vương quốc riêng.

Một thượng tá công an cũng chỉ nói với BBC là có chuyện "bất ổn" nhưng không nêu con số của lực lượng an ninh vào cuộc cũng như số người Hmong tham gia.

Ông đề nghị hãy hỏi bên quân đội về những con số này.

BBC cũng chưa xác định được vụ việc đang tiếp tục diễn biến ra sao.

'Miền đất hứa'

Cùng ngày, truyền thông Việt Nam cho đến chập tối chưa đăng tải tin gì về vụ việc.

Nhưng một số trang mạng xã hội hẹn giới trẻ người Kinh đi du ngoạn kiểu hoang dã (phượt) ở vùng núi Điện Biên đã cảnh báo nhau là nên tránh khu vực "người Hmong đòi tự trị".

Chẳng hạn, một bạn viết đã trông thấy trực thăng của nhà nước bay lên vùng này khi đi máy bay lên Điện Biên:

"Ngồi trên máy bay tự nhiên thấy hai cái trực thăng nó bay song song, tưởng ông nào lên Điện Biên chuẩn bị kỉ niệm 7/5. Lúc xuống máy bay mới biết trên huyện Mường Nhé đang có bạo động".

Tuy nhiên tới nay, các diễn đàn nói về sự kiện đã bị đóng lại.

Trước đó, từ năm 2010, chính báo chí của ngành công an đã có những bài phê phán "luận điệu hoang đường" ở huyện Mường Nhé, Điện Biên về "một thế lực siêu nhiên".

Vẫn theo báo Công an Nhân dân, các sĩ quan của ngành này được cử đến để "gặp gỡ, nói chuyện, vận động nhân dân không đi theo kẻ xấu".

Nguồn tin này cho hay có người dân "tin theo thuyết về một Miền Đất Hứa", và hẹn để "được đón về Trời".

Các khẩu hiệu kêu gọi dân chúng đến "những vùng đất hứa" được viết bằng chữ quốc ngữ và tiếng Hmong dạng La-tinh.

Báo nhà nước năm 2010 xác nhận khi đó các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Bộ đội Đoàn 379 thuộc Quân khu II đã "tăng cường cán bộ xuống cơ sở" ở Mường Nhé.

Mới tháng 6/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký quyết định tặng bằng khen cho năm tập thể và 13 cá nhân của Bộ Công an "có thành tích giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội" tại tỉnh Điện Biên.

Huyện nghèo

Hình từ trang mạng xã hội

Mường Nhé là một trong những nơi nghèo nhất Việt Nam

Thành lập năm 2002 theo nghị định số 08/NĐ-CP của chính phủ Việt Nam, huyện Mường Nhé được chính quyền Việt Nam coi là thuộc "vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn".

Nằm cách Điện Biên chừng 200 km, Mường Nhé là phần gộp lại của sáu xã trước thuộc huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) và huyện Mường Lay (nay là huyện Mường Chà) tỉnh Điện Biên.

Phía Đông, Mường Nhé giáp huyện Mường Tè; phía Tây giáp Lào; phía Nam giáp Lào và huyện Mường Chà; phía Bắc giáp Trung Quốc.

Theo trang web của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ở Việt Nam, cho đến tháng 3/2009, huyện Mường Nhé có 9.591 hộ với 52.684 nhân khẩu.

Trong số 13 dân tộc sinh sống tại đây, người Hmong chiếm đa số với 36.811 nhân khẩu (chiếm 69,6%).

Vì nổi tiếng là nghèo, Mường Nhé được chính quyền ra đề án phát triển kinh tế xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững với hàng tỷ đồng từ ngân sách.

Cũng mới hôm 2/5 báo chí địa phương đăng tin bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác của Quốc hội lên thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên.

Tuy nhiên, bên cạnh chủ đề kinh tế, có vẻ như các vấn đề tín ngưỡng và sắc tộc vẫn còn nổi cộm tại đây mà các chính sách của chính quyền chưa giải quyết được.

Cũng chưa rõ kế hoạch xây khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có liên quan gì không đến tranh chấp đất và rừng tại đây.

Một số nhà báo Việt Nam gần đây đưa tin ít nhiều về hiện tượng người Hmong ở đây "rút vào rừng", không chịu ra trong khi có cáo buộc về hiện tượng đốt phá rừng và "di cư tự do".

Hiện chưa rõ yếu tố tín ngưỡng trong vụ Mường Nhé là gì nhưng nhìn chung, trong những năm qua có hiện tượng người thiểu số Hmong tại Bắc Lào và Việt Nam theo đạo Tin Lành với số lượng đông đảo.

Hôm 5/4/2011, trang web bienphong.cm.vn có bài nói "Mấy năm gần đây, cái gọi là “Bấm đạo Vàng Chứ” phát triển rất nhanh trên địa bàn các xã biên giới tỉnh Điện Biên. Đi kèm với truyền “đạo Vàng Chứ” là “vấn nạn” di cư tự do của đồng bào Mông".

Một nhà quan sát tại Paris cho BBC hay người Hmong ở miền Bắc Việt Nam theo đạo Tin Lành phái Phúc Âm, còn người sắc tộc thiểu số ở miền Trung theo phái Mennonite.

Với vụ Mường Nhé, lần đầu tiên lại có bất ổn sắc tộc diện rộng tại Việt Nam kể từ sau Bấm cuộc nổi dậy của người Thượng theo Tin Lành Dega ở Tây Nguyên hồi năm 2004.

---------------------------------

Một số ý kiến bạn đọc trang web:

Không nêu tên:

Chính sách dân tộc chưa được giải quyết thỏa đáng. Cán bộ chưa bám sát nhân dân, thực hiện chưa đúng chính sách, kẻ xấu lợi dụng thì bạo loạn không có gì ngạc nhiên.

Hoàng, Phù Yên, Sơn La:

"Bần cùng thì sinh ra đạo tặc, đói kém thì sinh ra tèm nhèm" Tất cả đều do đói nghèo và trình độ văn hóa, mọi cuộc nổi loạn đều bắt nguồn từ các vùng cao xa xôi. Dù sao thì bạo động cũng đã và đang xảy ra.. nguyên nhân thì chúng ta chưa được rõ. Mong chính quyền quan tâm hơn đến các dân tộc vùng cao để họ tin vào đảng và nhà nước ..... Tôi cũng tiếp xúc nhiều với người vùng cao, họ cũng rất bảo thủ.

HUY, Perth, Australia:

Ông (cựu) chủ tịch huyện nói rất đúng. Tại sao ta phải cần bạo động trong khi Việt Nam đang là một nước hòa bình ấm no chứ. Đa đảng có tăng được GDP không, đa đảng thì có chắc là Việt Nam sẽ tốt hơn không hay nó chỉ làm đất nước thêm hỗn loạn bởi tranh giành giữa các đảng phái, cứ lấy Thailand làm ví dụ cho điều đó. Tôi luôn yêu nước và tôi luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho đất nước mình. Chúng ta nên cùng đi với nhau trên một con đường thay vì phải chia rẽ hay chỉ trích về nhau.

Nam Nguyễn, Hồ Chí Minh:

Thật sự không hiểu trình độ ông Giàng A Dình đến đâu mà ăn nói chán thế. Toàn dùng từ sáo ngữ và lẫn lộn giữa BBC và "bọn người phản động nước ngoài" . Đành rằng ông ta bức xúc "bọn người phản động nước ngoài" đã góp phần làm ông ta mất chức (nhà nước Việt Nam đã cắt chức ông ta và thay bằng một người mới). Thật khổ cho người Hmong ở Mường Nhé, chỉ vì dân trí thấp mà bị lợi dụng, bỏ nhà bỏ cửa nghe theo lời "mị dân" của bọn phản động. Kết lại nghèo vẫn hoàn nghèo, khổ vẫn hoàn khổ.

Ly A Chua, Điện Biên:

Tôi c̉am thấy xấu hổ vì tôi cũng là một người dân tộc Mông. Tôi thấy có loi cho Đảng và Nhà nước.

Tuan:

BBC là kênh truyền thông vì thế BBC phải ở thế trung lập, tức là khi đăng một bài viết anh chỉ đăng tin tức sự kiện, không nên nêu lên ý kiến của riêng mình, nếu có thì chỉ là ý kiến "khách quan" của các bên- có như thế thì mới là đạo làm báo chứ.

Nguyễn Hoàng Phương, Hà Nội:

Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam từ trước tới nay luôn thống nhất đó là, đoàn kết các dân tộc anh em để tạo lên khối sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Kẻ nào có rắp tâm chia rẽ khối Đại đoàn kết đó là đã đi ngược lại tiến trình lịch sử, đi ngược lại lợi ích quốc gia. Kẻ đó sẽ bị trừng trị nghiêm khắc theo luật pháp Việt Nam. Những kẻ có mưu đồ chia rẽ hãy biết ân hận, hãy biết giác ngộ khi chưa quá muộn. Không thế lực thù địch nào có thể chia rẽ được khối Đại đoàn kết của VN.

Khoa, Biên Hòa:

Tại sao người Hmonglại dễ tin bọn tuyên truyền đạo Vàng Pao vớ vẩn. Không lo phát nương làm rẫy mà lại theo tin vớ vẩn, con cái không cho đi học. Đảng và nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến dân tộc này, con đi học được trợ cấp tiền nội trú, thế mà chỉ một tin vịt đã bán toàn bộ tài sản để ăn hang ở rừng…

Nguyễn văn Lý, SG:

Dù bạn là ai? Dù bạn theo chế độ nào? thì xin hãy nhớ bạn vẫn là người VN. Dân tộc VN đã đổ bao nhiêu xưong máu mới có một nước VN thống nhất, toàn vẹn từ ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau. Dù bạn không thích CS nhưng hãy làm một việc gì đó có ích để giữ mãi sự toàn vẹn lãnh thổ ấy. Đừng lấy cái ganh gét cá nhân để đổ thêm dầu vào ngọn lửa chia rẽ dân tộc. Cái đích mà Trung Quốc đang mong muốn dân tộc ta lâm vào.

Người Sài Gon, Sài Gòn:

Tôi không biết là ông Giàng A Dình có nghe được những gì mình nói và suy nghĩ sao khi nghe lại như thế nào? Trình độ văn hóa trả lời như thế mà là chủ tịch, không hiểu nỗi luôn...toàn dùng những từ sáo ngữ trong lời nói...Tôi hy vọng ông chủ tịch xem lại chính mình trong cuộc trả lời BBC, đáng buồn thay...

Dân nghèo:

BBC ơi đừng tung tin linh tinh thế làm cho dân nghèo như chúng tôi càng thêm khổ,

Anh Đào, Sơn La:

Tôi ủng hộ mọi chính sách của nhà nước Việt Nam muôn năm.

Thu, Lào Cai:

…Toàn bọn phản quốc...

Duy, Điện Biên:

Hoan hô chủ tịch huyện mường nhé, tôi ủng hộ ông hết mình. Đài BBC không nên nhúng tay vào việc này, hãy ra khỏi đất nước của chúng tôi.

Vu Xuan Nam:

Tôi người Việt Nam rất yêu nước nhưng bức xúc với chính quyền, với một số người dân tuy duy gia đình kiến thức che dấu quá làm dân tộc yếu kém, sống trong yếu hèn…

Không nêu tên:

Sống hòa bình là mục tiêu của người văn minh. Hiếu chiến, hung hăng sẽ bị trả giá.

BBC © 2014 BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.

Trang này hiển thị tốt nhất với phần mềm lướt mạng có mở CSS. Nếu không có chức năng này, hoặc phần mềm cũ, bạn vẫn đọc được nội dung trên trang này nhưng không tận dụng được hết các chức năng. Nếu có thể hãy nghĩ đến chuyện nâng cấp phần mềm hoặc mở CSS lên.