Những bài 'nóng' nhất trên BBC năm 2011

Những bài nóng nhất 1-10

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trương Tấn Sang tại một phiên họp Quốc hội

Nguồn hình ảnh, bbc

Chụp lại hình ảnh, Trong số 20 bài được nhiều người đọc nhất có một phần tư liên quan tới ông Nguyễn Tấn Dũng hoặc con cái ông.

Bước vào năm 2011, sự kiện Đại hội Đảng lần thứ XI vào tháng 1 mở màn cho một loạt chủ đề khác sau khi các vị trí quyền lực cao nhất được dàn xếp về nhân sự của Đảng cầm quyền và mấy tháng sau là cho cả Chính phủ.

Các nhà bình luận nhắc tới các ông 'Sang - Trọng - Hùng - Dũng' nay là 'tứ trụ' của bộ máy đảng và chính quyền kể từ sau đại hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhiệm kỳ còn ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, Trương Tấn Sang giữ chức Chủ tịch nước và ông Nguyễn Sinh Hùng từ phó thủ tướng thành Chủ tịch Quốc hội.

Bài ăn khách nhất trong năm với hơn 700.000 lượt người đọc là bản tin nhận định về ông Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp tân Quốc hội khóa XIII bầu lại ông vào vị trí thủ tướng sau khi ông được xem là đã chiến thắng trong cuộc tranh đua quyền lực với ủy viên bộ chính trị Trương Tấn Sang, người chỉ giữ vị trí mà giới quan sát cho là có tính 'biểu tượng'.

Trong 12 tháng qua, quân đội Việt Nam đã có một loạt động thái gây chú ý trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng vì những tranh chấp trên biển.

Hà Nội đón một loạt tàu chiến nước ngoài trong đó có các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, bỏ hàng tỷ đô la để mua tàu ngầm và máy bay chiến đấu.

Giám đốc Viện nghiên cứu quốc phòng Hudson tại Washington DC, Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam đang có chiến dịch "xù lông nhím" và bài phỏng vấn với ông đứng thứ hai trong những bài ăn khách.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII trong tháng Năm đã chứng kiến một số lượng doanh nhân lớn trở thành những người đại diện của dân. Nữ đại biểu quốc hội được cho là giàu nhất Việt Nam, doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến, đã bị một số trang tin trong nước chỉ trích. Đây cũng là đề tài thu hút sự chú ý của độc giả BBC.

Những căng thẳng trên Biển Đông lên tới đỉnh điểm vào mùa hè khi tàu Trung Quốc vào cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Các lãnh đạo cao cấp ở Hà Nội đã ra những tuyên bố mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Trường Sa và cả đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm toàn bộ từ năm 1974. Hơn mười cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã diễn ra tại Hà Nội trong đó có những cuộc bị công an Việt Nam trấn áp. Một loạt bài có liên quan tới tranh chấp Việt Trung và quan hệ quân sự Việt Nam - Hoa Kỳ nằm trong số những bài được đọc nhiều nhất.

Đại hội XI của Đảng Cộng sản hồi đầu năm đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương mới với 200 nhân vật trong đó có một số con em các lãnh đạo cao cấp đương chức hoặc đã mãn nhiệm của Việt Nam. Một số nhà bình luận nhắc tới 5C - con cháu các cụ cả - để bình về chuyện này.

Cuối năm những người theo dõi BBC trên Facebook cũng nói Việt Nam và Trung Quốc giống nhau trong chuyện vị trí của một người trong xã hội phụ thuộc không phải vào chuyện người đó là ai mà là "bố anh là ai".

Hồi tháng Tư năm 2011 đã diễn ra vụ xử Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ mà một số công dân mạng gọi là vụ án "hai bao cao su", ý nói tới việc ông Hà Vũ bị bắt tại khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh với 'tang vật' gồm có "hai bao cao su đã qua sử dụng". Trong khi đó một blogger thân chính quyền gọi ông Hà Vũ là "khùng điên chính trị". Trước khi bị đưa ra xét xử ông Hà Vũ đã đâm đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhưng không được tòa án Việt Nam chấp nhận.

Những bài nóng nhất 11-20

Hồi tháng Hai, tạp chí Foreign Policy - Chính sách Ngoại giao - của Hoa Kỳ đã lập danh sách họ gọi là các đồng minh 'đáng xấu hổ' của Hoa Kỳ nhân cuộc cách mạng Mùa xuân Arab tại Trung Đông và các nước Bắc Phi. Việt Nam bị đưa vào danh sách vì cáo buộc "tăng cường trấn áp nhân quyền trong năm qua, bỏ tù những người bảo vệ quyền con người, blogger và những người vận động chống tham nhũng".

Người biểu tình Nguyễn Văn Phương trong đợt biểu tình ở Hà Nội mùa hè 2011

Nguồn hình ảnh, internet

Chụp lại hình ảnh, Nhiều bài liên quan tới căng thẳng quan hệ Việt - Trung hiện tại và trong quá khứ thu hút sự chú ý của độc giả BBC

Trong số 10 bài ở vị trí từ 11-20, có bốn bài liên quan tới căng thẳng trong quan hệ Việt - Trung hiện tại hay trong quá khứ. Ngoài vụ bắt người biểu tình "như một con vật" ở thành phố Hồ Chí Minh (bài số 20) cũng còn có vụ an ninh Việt Nam 'đạp vào mặt' người biểu tình Nguyễn Chí Đức ở Hà Nội.

Một loạt các bài trích nội dung của những điện tín ngoại giao Hoa Kỳ bị rò rỉ có liên quan tới Việt Nam được nhiều người đón đọc. Một trong số các bài này đã lọt vào danh sách 20 bài được nhiều người đọc.

Đa số các bài trong nhóm này liên quan tới các nhân sự cao cấp của Việt Nam.