Khởi tố bị can vụ đầm Cống Rộc

Lực lượng cảnh sát tham gia vụ cưỡng chế thu hồi đất

Nguồn hình ảnh, Laodong.com.vn

Chụp lại hình ảnh, Hàng trăm công an và bộ đội được huy động tham gia vụ cưỡng chế

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng vừa quyết định khởi tố bị can tội Giết người theo Điều 93 Bộ Luật Hình sự đối với bốn người trong vụ cưỡng chế đầm ở Cống Rộc, huyện Tiên Lãng.

Đó là các ông Đoàn Văn Quý (sinh năm 1966); Đoàn Văn Vươn (sinh năm 1963); Đoàn Văn Sịnh (sinh năm 1957) và Đoàn Văn Vệ (sinh năm 1974).

Tất cả những người này đều thuộc gia đình ông Đoàn Văn Vươn, chủ khu đầm bị cưỡng chế, và đều đang bị tạm giam.

Theo Điều 93 Bộ Luật Hình sự, Giết người là một tội nặng với khung hình phạt ít nhất là 7 năm tù giam, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể dẫn đến án tử hình.

Hai thân nhân khác của ông Vươn là Phạm Thị Báu (sinh năm 1982) và Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970) cũng bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ, theo Điều 257 Bộ Luật Hình sự. Hai người này đồng thời bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Hôm 7/1, Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án Giết người và Chống người thi hành công vụ sau khi bắt những người liên quan.

Cơ quan công an cũng đang truy tìm hai người khác là Đoàn Văn Thoại (sinh năm 1970) và Phạm Văn Thái (sinh năm 1977), kêu gọi hai người này ra đầu thú.

Trong vụ cưỡng chế đất đầm ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, sáu nhân viên công vụ bao gồm bốn cảnh sát viên và hai bộ đội đã bị người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn bắn bị thương bằng súng hoa cải.

Luật Đất đai bất cập?

Báo chí Việt Nam những ngày này tràn ngập thông tin về trường hợp mà nhiều người gọi là 'vụ cưỡng chế gây chấn động xã hội' nhất trong những năm vừa qua.

Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát và bộ đội tới thực hiện việc cưỡng chế, thu hồi 38,5 ha đất đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, người trong gia đình ông đã tổ chức chống lại bằng mìn tự chế (không nổ) và súng hoa cải. Trong số những người bị thương có trưởng công an huyện Tiên Lãng.

Công an thành phố đã điều hai trung đội cảnh sát đặc nhiệm cùng nhiều lực lượng cảnh sát bảo vệ xuống tăng cường và thân chinh giám đốc cùng bốn phó giám đốc Công an Hải Phòng đã trực tiếp tới hiện trường để chỉ đạo.

Dư luận đang tập trung bình luận, phân tích mâu thuẫn về đất đai dẫn tới cuộc nổ súng.

Một số người cho rằng đã có sai phạm trong quy trình giao đất và quyết định thu hồi đất của Ủy ban Nhân dân Huyện Tiên Lãng.

Theo Luật Đất đai Việt Nam 1993, thời hạn các hộ gia đình được giao đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản là 20 năm, nhưng chính quyền huyện chỉ giao đất cho gia đình ông Vươn thời hạn 14 năm.

Diện tích đất giao cũng không đúng với quy định.

Một số người đặc biệt nhắc tới chi tiết khoảng đất đầm mà gia đình ông Vươn đang khai thác có được là nhờ khai hoang lấn biển, điều khiến cho việc thu hồi đất của họ dường như càng bất hợp lý hơn.

Tuy nhiên, một luồng ý kiến thì nói rằng, ông Đoàn Văn Vươn không chịu giao đất sau tới 8 lần thương thảo với chính quyền sở tại là vì khu đất này đã được quy hoạch làm sân bay, 'giá đền bù sẽ tăng vọt nên họ "găm" đất lại để chờ đền bù'.

Các lỗ hổng còn tồn tại và tình trạng thiếu nhất quán trong quy định của luật đất đai Việt Nam cũng bị xem như đã gây ra nhiều lúng túng trong xử lý khiếu nại về thu hồi đất đai.