Báo Công An buộc tội Hoàng Khương

Phóng viên Hoàng Khương

Nguồn hình ảnh, internet

Chụp lại hình ảnh, Phía công an cho rằng nhà báo Hoàng Khương có mục đích cá nhân trong vụ giải cứu xe đua.

Trước một luồng dư luận đang tăng, cảm thông đối với Hoàng Khương, nguyên phóng viên Báo Tuổi Trẻ hiện đang bị truy tố về tội đưa hối lộ, báo Công an Nhân dân đã có bài báo nhằm khẳng định ông 'phạm tội'.

Dưới tiêu đề ‘Thực hiện hành vi tiêu cực để…chống tiêu cực!?’, bài báo buộc tội Hoàng Khương (tức Nguyễn Văn Khương) được đăng trên trang Pháp luật của báo Công an nhân dân hôm thứ Bảy ngày 7/1 nhưng không đề tên tác giả mà chỉ ký tên là PV (phóng viên).

Cùng lúc, một luật sư theo dõi vụ việc cho BBC hay cần phải xem kỹ hồ sơ thì mới có thể xác định các tình tiết buộc tội có đúng không.

‘Vì mục đích cá nhân’

Bài báo kể lại chi tiết quá trình ‘phạm tội’ của Hoàng Khương và đưa ra lý lẽ để khẳng định rằng mục đích thật sự của Hoàng Khương không phải là điều tra viết báo mà là giải cứu xe đua thật sự để trục lợi cho mình và người thân.

Tác giả bài báo cũng chứng minh Hoàng Khương đã ‘chủ động’ tham gia vào vụ việc từ đầu đến cuối thay vì chỉ đóng vai trò quan sát để lấy tư liệu cho bài viết. Chính vì vai trò tham gia đầy đủ này nên Công an nhân dân kết luật bài báo điều tra của Hoàng Khương không thể khách quan.

Do đó, báo Công an nhân dân không thừa nhận việc ông Hoàng Khương ‘chống tiêu cực’ và ‘có công’ trong việc phanh phui vụ hối lộ của cảnh sát giao thông.

Tờ báo là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng ủy công an trung ương và Bộ Công an thừa nhận rằng ‘không ít ý kiến cho rằng Hoàng Khương đã làm đúng,” tuy nhiên báo này phản bác rằng:

“Ở một góc nhìn khách quan, những ý kiến [bênh vực Hoàng Khương] chỉ là cảm tính và chưa có căn cứ pháp lý.”

Bài báo truy ra khởi nguồn câu chuyện là việc một người bạn của Nguyễn Đức Đông Anh, em vợ Hoàng Khương, do tham gia đua xe nên bị công an Quận Bình Thạnh tạm giữ xe máy. Anh này đã dò hỏi Đông Anh tìm người quen giải cứu và hứa sẽ chịu mọi chi phí.

Đông Anh đã tìm đến anh rể của mình và Hoàng Khương đã ‘thuận tình giúp đỡ’.

“Là một nhà báo, Hoàng Khương thừa biết hành vi phóng xe máy đánh võng lạng lách trên đường bộ không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn là hiểm họa tai nạn giao thông cần phải kiên quyết ngăn chặn,” bài báo viết.

“Thế nhưng Hoàng Khương đã dung túng, bao che sai phạm nên thuận tình giúp đỡ.”

Như vậy, theo lập luận của Công an nhân dân, ngay từ đầu phóng viên Hoàng Khương đã có ý định giải cứu cho chiếc xe đua đang bị giam giữ.

Bài báo thuật lại diễn tiến quá trình ‘phạm tội’ của Hoàng Khương để chứng minh rằng phóng viên này đã chủ động tham gia từ đầu đến cuối vụ việc với mục đích cứu thoát bằng được chiếc xe đua bị giam.

Theo đó, Khương đã nhờ cậy sự giúp đỡ của Tôn Thất Hòa, một người giao thiệp rộng và quen biết với các ‘thủ tục’ của cảnh sát giao thông.

Nhận lời Khương, Hòa đã ra công an phường nơi người đua xe cư trú để xin xác nhận khống là anh này ‘đã kiểm điểm trước tổ dân phố’, một điều kiện để được trả xe, nhưng bị công an phường từ chối.

“Khi công an phường từ chối xác nhận, lẽ ra Hoàng Khương phải chấm dứt ngay hành vi tiếp tay đối tượng vi phạm pháp luật,” bài báo viết để khẳng định việc Hoàng Khương theo đuổi đến cùng hành vi ‘phạm tội’ của mình.

“Đằng này khi nghe Tôn Thất Hòa gọi đến quán Vườn Xưa ở quận Bình Thạnh, Hoàng Khương tranh thủ đến gặp Thượng úy Huỳnh Minh Đức [người nhận 15 triệu đồng tiền hối lộ để thả xe].”

‘Thiếu khách quan’

Báo Công an nhân dân kết luận rằng Hoàng Khương ‘thể hiện rõ ý thức chủ quan xuyên suốt’ từ khi nhận lời cứu xe đua cho đến nhờ Hòa xin xác nhận của công an phường rồi gọi em vợ mang tiền ra chung chi cho Thượng úy Đức.

Tác giả bài báo nhận xét rằng nếu là ‘nhà báo chân chính’, thì Hoàng Khương chỉ cần truy bám, thu thập chứng cứ viết bài điều tra khi phát hiện tiêu cực chứ không được tham gia một cách ‘chủ động’ vào quá trình vi phạm pháp luật.

Khi đó thì ‘bài báo khách quan’của Hoàng Khương cũng đủ là ‘một trong những căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm để khởi tố’ Thượng úy Đức, Công an nhân dân khẳng định.

Do đó, Công an nhân dân phủ nhận hoàn toàn bài báo ‘Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép’ của Hoàng Khương là ‘tố giác tội phạm’ vì ‘thiếu khách quan’ do vai trò quá lớn của phóng viên trong vụ việc.

Theo báo Tuổi Trẻ thì bài báo giải cứu xe đua của phóng viên Hoàng Khương nằm trong tuyến bài về tình hình thảm họa giao thông mà báo này triển khai từ đầu năm 2011 để thực hiện nghị quyết của chính phủ.

Trước khi bài ‘Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép’ lên mặt báo, Hoàng Khương cũng có một loạt bài điều tra tiêu cực của cảnh sát giao thông như ‘Đồng tiền xóa sạch hồ sơ’ và ‘Cố ý làm sai quy trình’ phản ánh việc cảnh sát ăn tiền để thay đổi hiện trường tai nạn giao thông.

Bài viết cũng lôi ra vụ việc của em trai Hoàng Khương để nghi ngờ động cơ ‘chống tiêu cực’ của phóng viên này là không trong sáng.

“Nếu dũng cảm đấu tranh chống tội phạm, chắc chắn nhà báo Hoàng Khương đã viết về người em trai của mình là Nguyễn Văn Khôi – nguyên phóng viên Báo Khánh Hòa đang bị Công an tỉnh Khánh Hòa truy nã toàn quốc hơn ba năm qua về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hơn 7 tỷ đồng,” bài báo viết.

Để chứng tỏ không thiên vị, báo Công an nhân dân cũng nhắc lại rằng ‘Thượng úy Huỳnh Minh Đức vi phạm pháp luật nên bị tước danh hiệu Công an nhân dân, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ.”

“Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật,” bài báo viết và cho biết rằng quyết định khởi tố Hoàng Khương đã được phê chuẩn sau khi nghiên cứu hồ sơ và xác định hành vi của phóng viên này có ‘đủ yếu tố cấu thành tội phạm’.

‘Không phải không có lý’

Phóng viên Hoàng Khương nhận giải thưởng về báo chí

Nguồn hình ảnh, internet

Chụp lại hình ảnh, Hoàng Khương từng được khen thưởng vì tham gia đấu tranh chống tiêu cực

Trước đó, trong một bài báo đưa tin về việc bắt giữ Nguyễn Đức Đông Anh hôm 4/1, báo Công an nhân dân đã khẳng định rằng ‘Hoàng Khương cùng các đối tượng liên quan đã bàn tính kỹ càng từ trước nhằm mục đích có lợi cho bản thân và em vợ mình.’

Theo bài báo này, bản chất của việc Hoàng Khương viết bài báo tố cáo Thượng úy Huỳnh Minh Đức là ‘lợi dụng cương vị của mình là nhà báo’ để ‘ép Huỳnh Minh Đức thực hiện đến cùng hành vi trái pháp luật’ khi Đức chỉ trả xe mà chưa trả giấy tờ xe.

“Do Đức mới trả xe mà chưa giao giấy đăng ký xe nên Tôn Thất Hòa đã nhiều lần gọi điện thoại cho Huỳnh Minh Đức đe dọa nếu không trả giấy đăng ký xe thì Hoàng Khương sẽ viết báo,” bài báo nêu dẫn chứng

Trao đổi với BBC, luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội cho biết ‘lập luận của công an không phải là không có lý’ nhưng phải tiếp cận hồ sơ vụ án thì mới biết những cáo buộc của công an có đúng không.

“Muốn biết [Hoàng Khương] có lợi dụng tư cách nhà báo hay không thì phải đợi các tình tiết nó rõ ra,” Luật sư Hải nói.

Như thế, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phải chứng minh phóng viên Hoàng Khương viết bài báo giải cứu xe đua không vì mục đích cá nhân, ông nói.

“[Tổng biên tập] phải cho quan tòa biết đây là việc công chứ không phải việc tư,” ông giải thích, “Phải chứng minh Hoàng Khương được phép tham gia điều tra vụ việc này và làm đúng trách nhiệm đã được phân.”

Mặt khác, theo luật sư Hải, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cũng có trách nhiệm liên đới trong vụ này vì ‘về mặt hình thức khi bài báo đã đăng lên ông tổng biên tập đã chấp nhận bài viết của phóng viên với tư cách nhà báo nên phải đồng chịu trách nhiệm.’

‘Bài học lớn’

Ông Hải cũng nhận xét rằng bản thân phóng viên Hoàng Khương và báo Tuổi Trẻ cũng có sai lầm trong nghiệp vụ.

“Đăng báo vụ việc hối lộ là đúng,” ông nói, nhưng nói thêm rằng nếu như trước khi đăng toàn bộ những người có liên quan trong vụ việc, tức là phóng viên Hoàng Khương và những người môi giới cho ông, đến cơ quan công an ‘tự thú’ thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.

“[Như vậy], coi như họ là thành tố tham gia chống tham nhũng và phát hiện hối lộ, thì chắc chắn sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.

Đằng này, báo Tuổi Trẻ đã cho đến khi cơ quan công an ra quyết định về vụ việc thì đã quá trễ, ông Hải nói.

Với lại, theo ông, phóng viên Hoàng Khương và báo Tuổi Trẻ cũng phải có trách nhiệm đối với những nguồn tin và những người tham gia vào quá trình điều tra chứ không phải để cho họ bị truy tố trách nhiệm hình sự như hiện nay.

“Đây là bài học rất lớn cho các báo,” ông nói.

Ông Hải cũng thừa nhận rằng luật pháp Việt Nam hiện chưa có quy định người điều tra được phép tiếp cận tội phạm như thế nào để có bằng chứng trong tay.

“Đã có vụ đặc tình công an tham gia mua bán ma túy đến khi bị công an khác bắt thì cũng vẫn bị truy tố,” ông Trần Vũ Hải, người từng có kinh nghiệm ở viện kiểm sát, cho biết.

“Về mặt luật lệ không có khái niệm đặc tình, anh tham gia vào đấy mà không tố giác ngay thì coi như là đồng phạm,” ông giải thích.

Về cơ hội của ông Hoàng Khương ở phiên tòa sắp tới, ông Hải nhận định rằng nếu áp lực của dân chúng quá lớn thì ‘tòa có thể cũng phải suy nghĩ’ và có thể xem đây là một vụ ‘án lệ’ không tuân theo luật.

Ông nhận xét rằng Hoàng Khương tham gia vạch trần hàng loạt vụ tiêu cực của cảnh sát giao thông vốn có những quan hệ nhất định.

“Có những thế lực rất lớn, tất nhiên họ không hài lòng. Họ sẵn sàng thấy sai sót để biến thành vụ việc hình sự để trừng trị,” ông nói.