Safari Phú Quốc ‘chưa nhập tê giác’

Vinpearl Safari công bố họ đã đón 3 chuyến chuyên cơ chuyển thú từ Mỹ, châu Âu và Nam Phi về Phú Quốc tháng 11/2015

Nguồn hình ảnh, Facebook Vinpearl Safari

Chụp lại hình ảnh, Vinpearl Safari công bố họ đã đón 3 chuyến chuyên cơ chuyển thú từ Mỹ, châu Âu và Nam Phi về Phú Quốc tháng 11/2015

Báo cáo của Sở Nông nghiệp Kiên Giang khẳng định Vinpearl Safari Phú Quốc ‘chưa nhập tê giác’ trong lúc một tổ chức bảo vệ động vật đang lần theo dấu chuyến bay nhập thú từ Nam Phi.

Hôm 24/2, ông Jose C. Depre, chủ trang Facebook International Animal Rescue Foundation World Action South Africa nói với BBC: “Theo ghi nhận của chúng tôi, có ít nhất bốn phóng viên tại Việt Nam nhận được thông báo phải gỡ bài báo trên trang thông tin điện tử và khoảng một chục facebooker phải gỡ status đề cập chuyện thú chết tại Safari Phú Quốc”.

Ông cũng cho biết đang lần theo hồ sơ các chuyến bay vận chuyển động vật từ Nam Phi đến Phú Quốc thời gian qua.

“Chúng tôi muốn làm rõ là liệu họ có nhập tê giác từ Nam Phi hay mượn loài thú này từ khu du lịch sinh thái Trại Bò Mường Thanh ở Diễn Châu, Nghệ An hoặc một khu nào khác?"

"Hiện tại, Vingroup đã chặn e-mail chất vấn của chúng tôi cũng như từ chối trả lời qua điện thoại. Rõ ràng họ đang muốn che giấu điều gì đó khuất tất”, ông Depre nói.

Vingroup công bố trên website hồi tháng 11/2015: "Để chuẩn bị cho sự kiện khai trương và đi vào hoạt động từ ngày 24/12/2015, vừa qua, Vinpearl Safari đã đón 3 chuyến chuyên cơ chuyển thú từ Mỹ, châu Âu và Nam Phi về Phú Quốc, trong đó có cả chuyên cơ cỡ lớn Boeing 747.

Tê giác đang được nuôi tại Vinpearl Safari Phú Quốc

Nguồn hình ảnh, Vingroup

Chụp lại hình ảnh, Tê giác đang được nuôi tại Vinpearl Safari Phú Quốc

Trong số gần 20 loài động vật hoãng dã, gồm khoảng 200 cá thể được chuyển về có nhiều loài động vật quý hiếm, đại diện cho nhiều vùng địa sinh học trên thế giới như Linh dương sừng xoắn, vượn cáo trắng đen, vượn cáo đuôi khoang… Đặc biệt, trong đợt vận chuyển lần này có 12 cá thể đầu tiên của bộ hươu cao cổ lớn nhất Việt Nam. Theo đó, khi về hết theo hợp đồng, quy mô đàn hươu sẽ đạt gần 60 con", website này viết.

‘Chưa nhập tê giác’?

Ngày 24/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phát đi báo cáo do phó giám đốc Hoàng Văn Tuấn ký cho hay “đàn tê giác 14 con được Safari Phú Quốc đưa về từ vườn thú Mỹ Quỳnh ở Long An. Công ty đang làm thủ tục xin nhập tê giác ở nước ngoài theo quy định pháp luật”.

Ngoài ra báo cáo cũng khẳng định trong số 108 con thú được xác nhận bị chết tại vườn thú này “không có các động vật quý hiếm như sư tử, hổ, báo và tê giác. Ban giám đốc Vinpearl Safari Phú Quốc cam kết không có dấu hiệu động vật chết do dịch bệnh. Toàn bộ động vật chết được xử lý theo đúng quy định”.