VN có nhất thể hóa TBT và Chủ tịch nước?

  • Quốc Phương
  • BBC Tiếng Việt

Sự ra đi của Chủ tịch Trần Đại Quang "là điều kiện chín muồi" để hợp nhất hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, theo một ý kiến từ Hà Nội.

Việt Nam đã 'nhận thấy từ lâu' nhu cầu hợp nhất hai chức danh Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước nhưng 'do nhiều lý do' việc này chưa xảy ra, tiến sỹ Vũ Cao Phan cho BBC biết hôm 25/9/2018.

Tiến sỹ Vũ Cao Phan

Nguồn hình ảnh, BBC News Tiếng Việt

Chụp lại hình ảnh, Tiến sỹ Vũ Cao Phan cho rằng đã chín muồi để hợp nhất hai chức vụ cao cấp trong Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Trước đó, hôm 24/9, tại một Bàn tròn đặc biệt từ London, khách mời tọa đàm cũng nêu ý kiến bình luận về phương án này.

Ông Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt - Trung nêu nhận định về cố Chủ tịch Quang:

"Ông Trần Đại Quang ở cương vị Chủ tịch nước chưa được nửa nhiệm kỳ - ít hơn nhiều so với những người tiền nhiệm - nhưng không thể không thừa nhận di sản để lại của ông là những dấu ấn rõ nét, riêng biệt trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

"Thành công nổi bật của Diễn đàn APEC 2017 có công của Trần Đại Quang là người chủ trì và đưa ra những sáng kiến phối hợp. Mặc dù biết mình không còn nhiều thời gian - và cũng chính vì biết rõ điều đó - Trần Đại Quang đã tích cực trong nhiều chuyến viếng thăm nước ngoài để bày tỏ lập trường, để khẳng định lập trường nguyên tắc trong những vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và quốc tế."

"Chủ tịch Trần Đại Quang có lẽ là lãnh đạo Việt Nam duy nhất cho đến nay đã đề cập đến một khu vực rộng mở mà ông gọi là Ấn Độ - Châu Á Thái Bình Dương trong dịp đến thăm Ấn Độ tháng Ba năm nay, được báo chí nước này đồng loạt đăng lại. Tổng thống Mỹ D. Trump trong lời chia buồn đã đánh giá cao "tiếng nói của ông cho một Việt Nam đầy tự hào và độc lập trên trường quốc tế".

'Không nên để chậm trễ'

Về phương án hợp nhất hai chức vụ cao cấp trong 'tứ trụ' ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tiến sỹ Vũ Cao Phan, người hiện đang làm việc tại Viện Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Bình Dương, bình luận:

"Việt Nam đã nhận thấy từ lâu sự cần thiết không nên để tách rời hai chức danh Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước trong cấu trúc lãnh đạo chính trị. Từ thời ông Lê Khả Phiêu đã muốn như vậy. Nhưng bởi nhiều lý do những chức danh này vẫn chưa được kết hợp làm một.

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Đang có bàn luận trong dư luận và các giới về việc có nên hợp nhất hai chức vụ Tổng Bí thư ĐCSVN và Chủ Tịch nước hay không, sau khi Chủ tịch nước VN ông Trần Đại Quang (đầu tiên, trái sang) qua đời

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng bày tỏ e ngại sự kết hợp có thể dẫn đến độc tài. Tôi không cho là như vậy. Độc tài hay không trước hết là tư tưởng. Trong các nước XHCN chỉ còn Việt Nam vẫn tách biệt hai chức danh này. Sự ra đi của ông Trần Đại Quang là điều kiện chín muồi. Không nên hoặc không thể chậm trễ hơn nữa. Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng là thích hợp cho cương vị Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước."

Hôm thứ Hai, tại Bàn tròn đặc biệt của BBC Tiếng Việt, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên tờ báo mạng Đàn Chim Việt Online từ Warsaw, Ba Lan, nêu quan điểm:

"Tôi cũng đồng ý với ý kiến cho rằng chức vụ Chủ tịch nước chỉ mang tính ma chay, hiếu hỉ nhiều hơn là chức vụ Thủ tướng hay là chức vụ Tổng Bí thư ở Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một cơ hội Việt Nam nên hợp nhất chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản kiêm luôn Chủ tịch nước.

"Bởi vì chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản khi đi ngoại giao quốc tế theo tôi khá là 'vô duyên', ví dụ như ông Nguyễn Phú Trọng khi ông đi sang các nước, nhiều khi chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản thì chỉ Bí thư Đảng Cộng sản tiếp thôi, chứ nó không phải là một chức vụ để Tổng thống các quốc gia tiếp.

Chụp lại video, LS Trần Quốc Thuận: 'Đã đến lúc hợp thức hóa hai chức danh TBT và CT nước?'

"Tất nhiên chúng ta cũng thấy ông Obama có tiếp ông Nguyễn Phú Trọng trong Nhà Trắng, nhưng mà trước đó đã có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ như là ông Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang Pháp mà không có sự tiếp đón, chỉ có Đảng Cộng sản Pháp tiếp thôi, còn chính quyền không tiếp.

"Cho nên tôi nghĩ rằng đây cũng là một cơ hội hợp nhất hai chức vụ này với nhau, nó làm gọn nhẹ hơn một chút bộ máy - không hẳn là bộ máy của nhà nước, nhưng nó cũng bớt đi một cái ghế và có thể nó cũng hợp lý hơn."

'Một cơ hội đẹp?'

Cũng tại Bàn tròn hôm thứ Hai 24/9, nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng cho rằng hiện nay việc hợp nhất hai chức vụ đảng và chính quyền này mới đang thí điểm ở các cấp dưới và chỉ tại một số địa phương, một số cấp được thí điểm, mà chưa có chủ trương ở cấp cao nhất.

Tuy nhiên ông cho rằng đây có thể là một thời điểm để ban lãnh đạo của Việt Nam xem xét phương hán hợp nhất cấp cao, ông Trương Duy Nhất nói:

"Nhân cái chết của ông Trần Đại Quang, tôi cho rằng đây là một cơ hội đẹp để tiến tới nhất thể hóa, chứ còn để như cũ vai trò của Chủ tịch nước để mang một giá trị biểu trưng để đi đối ngoại ra với thế giới với đại đồng thì như có ý kiến nói, không thể tìm ra được một nhân vật nào biểu trưng lớn như ông Nguyễn Hữu Thọ, ông Lê Quang Đạo, như bà Nguyễn Thị Bình, bây giờ không có.

"Như thế thì tại sao chúng ta [Việt Nam] không nhất thể hóa Tổng Bí thư kiêm luôn Chủ Tịch nước?", ông Nhất nêu quan điểm.

Cũng trong ngày 25/9, từ Hà Nội, một nhà quan sát Hà Hoàng Hợp cho BBC biết bên ngoài Thảo luận Hàng tuần ý kiến sau:

Chụp lại video, Người dân Thái Lan nói với BBC Tiếng Việt tại Bangkok về lá cờ rủ tưởng niệm Chủ tịch Trần Đại Quang

"Theo tôi, chắc Việt Nam chưa làm ngay ở Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 đâu, lúc ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư, thì đã có nhu cầu và điều kiện, kể cả từ thời ông Nông Đức Mạnh cũng đặt ra, nhưng chưa xảy ra."

Trước câu hỏi, liệu việc hợp nhất nếu có phương án này, sẽ cần ít nhất hai động thái là sửa đổi Hiến pháp và sửa đổi Điều lệ Đảng hay không, ông Hà Hoàng Hợp cho biết:

"Thực ra, có rất nhiều việc có thể làm rồi mới cần sửa Hiến pháp, kể cả việc hợp nhất này, bởi vì, khi cần sáp nhập, mà không làm ngay, thì có thể có thay đổi, mà chờ sửa Hiến pháp thì cũng có thể phải mất 6 tháng, còn nếu hợp nhất thì thì chức Tổng Bí thư sẽ nhập vào chức Chủ tịch nước như mô hình chính trị tại Trung Quốc."

Phát biểu tại cuộc thảo luận trong studio ở London hôm 24/09, nhà báo Nguyễn Giang của BBC cho hay theo đánh giá của ông, vị trí quyền Chủ tịch nước của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là có tính biểu tượng, rất tốt cho hình ảnh Việt Nam ở thời đại thế giới đề cao nữ quyền.

Không đồng ý với quan điểm này, nhà báo Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng nói chức Chủ tịch nước ở Việt Nam chỉ mang tính hình thức, không có thực quyền.

Thời gian qua, giới quan sát cũng ghi nhận những thành công của việc cải cách hành chính thí điểm ở Quảng Ninh mà ông Phạm Minh Chính thực hiện, và việc nhất thể hóa chức vụ Đảng và chính quyền nếu làm từ trên xuống như vậy thì cần làm cho mọi cấp, nhà báo Nguyễn Giang cho hay.

Hôm thứ Hai, tại Bàn tròn của BBC Tiếng Việt, có ý kiến của khán giả đặt vấn đề có cần tính toán hết hệ lụy, hay rủi ro, hay tính hiệu quả thực tế của việc hợp nhất các chức danh trên hay không.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn tròn Đặc biệt của BBC Tiếng Việt.

Xem thêm: