Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, hình chụp tháng 1/1982.

Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chiều 27/4 ra thông cáo đặc biệt về lễ tang của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.

Tang lễ ông Lê Đức Anh sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, với Ban lễ tang gồm 39 người, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin.

Trước đó, hôm 25/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không khỏe, nhưng sẽ "sớm trở lại làm việc bình thường".

Tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh sẽ diễn ra trong hai ngày 3 và 4/5/2019.

Lễ viếng và lễ truy điệu sẽ diễn ra sáng hôm thứ Sáu ngày 3/5/2019 tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, nơi linh cữu ông được quàn.

Lễ an táng sẽ diễn ra từ 17 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.

Thượng Nghị sỹ Mỹ John Kerry trao cho ông Lê Đức Anh, Chủ tịch nước lúc đó, bức thư từ Tổng thống George Bush. Hình chụp tháng 11/1992.

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM

Chụp lại hình ảnh, Thượng Nghị sỹ Mỹ John Kerry trao cho ông Lê Đức Anh, Chủ tịch nước lúc đó, bức thư từ Tổng thống George Bush. Hình chụp tháng 11/1992 tại Hà Nội.

Gia đình có nguyện vọng tổ chức 'quốc tang giản dị'

Trước đó, hôm 26/4, tờ Thanh Niên đưa tin ông Lê Mạnh Hà, con trai Đại tướng Lê Đức Anh cho biết nguyện vọng của gia đình tổ chức quốc tang cho đại tướng Lê Đức Anh giản dị, thời gian tổ chức tang lễ giảm một ngày so với quy định về quốc tang.

"Ngoài ra, gia đình cũng mong muốn các hoạt động khác trong xã hội diễn ra bình thường, không bị đình trệ," ông Hà được tờ Thanh Niên dẫn lời.

Tuy nhiên theo thông cáo của Ban Lễ tang, "trong hai ngày Quốc tang (03-5 và 04-5-2019), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí."

"Gia đình đề nghị lễ truy điệu được tổ chức tại Hà Nội với mục đích giảm chi phí đi lại của lãnh đạo các cấp, đại diện cơ quan, đơn vị; tiết kiệm cho ngân sách", VN Express dẫn lời ông Lê Mạnh Hà.

Gia đình vị đại tướng cũng đề nghị chuyển linh cữu ông vào an táng tại TP HCM bằng máy bay hành khách, không dùng chuyên cơ, và thành viên trong gia đình mua vé máy bay như các hành khách khác đi cùng chuyến bay.

Presentational grey line

Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh qua đời ở Hà Nội hôm 22/4, hưởng thọ 99 tuổi.

Ông giữ Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian có các cuộc pháo kích xuyên biên giới Việt - Trung của cả hai bên, và khi xảy ra trận Gạc Ma 14/3/1988, với ít nhất 64 bộ đội Việt Nam bị Trung Quốc bắn chết hết và chiếm đảo.

Theo tờ VN Express, năm 1988, "ngay sau khi Trung Quốc gây ra vụ thảm sát Gạc Ma (tháng 3/1988), Đại tướng Lê Đức Anh có chuyến thị sát đảo Trường Sa. Tại đây, ông có bài phát biểu tôn vinh chiến công của hải quân Việt Nam và khẳng định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. "

Trang Thông tin Chính phủ cũng đăng ảnh Đại tướng Lê Đức Anh "có bài phát biểu quan trọng ở Trường Sa năm 1988."

Ông được bầu làm Chủ tịch nước năm 1992 và là người đề xuất danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Từ năm 1997, ông là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.