Nói về Tướng Lê Đức Anh trong quan hệ với TQ và vụ Gạc Ma 1988

Ông Lê Đức Anh

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Lê Đức Anh làm Chủ tịch Nước Việt Nam từ 1992-1997.

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước của Việt Nam, là một nhà lãnh đạo 'vì quyền lợi quốc gia', một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự từ Bộ Quốc phòng của Việt Nam nói với BBC Tiếng Việt.

Ý kiến này cho rằng đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam theo cơ chế lãnh đạo tập thể, nên không hề có chuyện lãnh đạo nào đó thân Trung Quốc, hay thân nước nào khác.

Tuy nhiên bình luận với BBC hôm thứ Tư, 01/5/2019 từ Hà Nội, Đại tá Phạm Hữu Thắng, nhà nghiên cứu từ Viện Lịch sử Quân sự cho rằng ông Lê Đức Anh "có vai trò đầu tiên" trong thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau cuộc chiến tranh Biên giới 2/1979.

Ý kiến của nhà nghiên cứu cũng cho rằng không có một mệnh lệnh nào từ trên xuống ra lệnh cho bộ đội Việt Nam không nổ súng trong sự kiện xảy ra ở Gạc Ma năm 1988, như dư luận nhiều năm gần đây đặt vấn đề.

Đây là giai đoạn Tướng Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam.

"Việc quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, tôi không nghĩ lãnh đạo lại có người thân Trung Quốc, hay thân Liên Xô... bởi vì lãnh đạo Việt Nam là lãnh đạo tập thể. Quan điểm chung của Đảng và nhà nước là phải làm sao tìm ra một con đường đối ngoại có lợi nhất cho Việt Nam trong phát triển kinh tế, cũng như là ổn định," Đại tá Thắng trả lời câu hỏi liệu có phải ông Lê Đức Anh 'thân Trung Quốc' như một số ý kiến trong dư luận đặt ra.

"Với Trung Quốc là một nước lớn, mà là nước láng giềng, thì rõ ràng cũng ảnh hưởng đến an ninh, cũng như đến việc ổn định, xây dựng xã hội, cũng như trong xây dựng kinh tế của Việt Nam.

"Cho nên thực ra quan hệ với Trung Quốc của Việt Nam bao giờ cũng là một việc rất lớn và là việc Trung ương, Bộ Chính trị, Đảng, nhà nước rất quan tâm. Cũng có ý cho rằng người này thế này, người khác thế khác, nhưng trong cơ chế lãnh đạo tập thể của đảng thì ông Lê Đức Anh là người có vị trí cao như thế, thì chắc chắn ông phải vì quyền lợi quốc gia."

Tháng 3/1988 đã xảy ra sự kiện xung đột Trung - Việt ở Gạc Ma trên Biển Đông, kết thúc bằng trận đánh mà phía Trung Quốc bắn chết 64 binh sỹ Việt Nam.

Lưu lại audio,

Đại tá Phạm Hữu Thắng nói về Tướng Lê Đức Anh

Từ đó, Trung Quốc chiếm giữ thêm một số đảo, đá tại vùng quần đảo Trường Sa.

Một phần dư luận Việt Nam, kể cả trong giới cựu chiến binh, nhiều năm gần đây cho rằng đã có một mệnh lệnh từ cấp cao, mà có người cho là từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, ra lệnh các chiến sỹ không nổ súng kháng cự.

Quyết định nàydẫn đến điều mà nhiều người gọi là 'thảm sát' Gạc Ma và họ quy kết trách nhiệm cho ông Lê Đức Anh, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng.

'Không có mệnh lệnh đó?'

Bình luận về ý kiến mang tính cáo buộc này, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói với BBC:

"Tướng Lê Mã Lương nói rằng có lệnh từ trên là không được bắn súng, không được chống cự. Vấn đề Gạc Ma trên thực tế là bộ đội Việt Nam rất kiềm chế trong việc xây dựng các căn cứ hậu cần ở các nơi đóng quân, ở các đảo ngầm.

Đại tướng Lê Đức Anh

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đại tướng Lê Đức Anh giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam từ năm 1987-1991

"Khi đi rõ ràng với quan điểm không gây hấn ở vùng biển gây xung đột lớn, chiến tranh lớn sẽ rất nguy hại cho chủ quyền, quan điểm chung của Việt Nam là chỉ dùng những tàu hậu cần và lực lượng công binh, bộ binh, hải quân, lính thủy đánh bộ chỉ cắm cờ và trú quân, xây dựng các công sự để trú quân ở trên các đảo ngầm đó thôi.

"Còn việc cương quyết giữ vững chủ quyền, lúc ấy đồng chí Lê Đức Anh là Bộ trưởng Quốc phòng cũng rất kiên quyết, làm sao bằng mọi cách để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Sau đó ông cũng đã ra thăm quần đảo Trường Sa và có những tuyên bố kiên quyết để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam."

Khi được hỏi lại liệu Tướng Lê Đức Anh có ra lệnh cho bộ đội Việt Nam ở Gạc Ma không được nổ súng đáp trả khi bị các lực lượng Trung Quốc uy hiếp, tấn công như dư luận đặt vấn đề hay không, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói:

"Tôi cho là không có lệnh đó".

Khi được hỏi tiếp về căn cứ của nhận định này, nhà nghiên cứu từ Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam nói:

"Tôi cũng nghiên cứu lịch sử hải quân và trong toàn bộ phần lịch sử không nói chuyện là không cho nổ súng."

'Vai trò đầu tiên'

Trở lại với điều được cho là vai trò của Tướng Lê Đức Anh liên quan Hội nghị Thành Đô giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc diễn ra hồi tháng 9/1990 và liên quan quan hệ Việt - Trung, nhà nghiên cứu lịch sử từ Bộ Quốc phòng Việt Nam nói:

"Tôi cũng nghiên cứu Hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh, thì thấy rằng ông cũng là một người có vai trò gần như đầu tiên trong việc kết nối, tạo ra bình thường hóa quan hệ đối với Trung Quốc.

Hải quân Việt Nam

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/AFP

Chụp lại hình ảnh,

Các chiến sỹ trẻ hải quân Việt Nam trước mô hình đảo Trường Sa lớn (hình minh họa).

"Ông cũng đã tham mưu để Bộ Quốc phòng bố trí lùi quân đội ở phía biên giới, lùi về phía sau, rồi có những cuộc gặp đi đến Hội nghị với Trung Quốc để đưa tới bình thường hóa quan hệ."

Về sự kiện tướng Lê Đức Anh được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung Tướng vào năm 1974, Đại tá Thắng bình luận:

"Rõ ràng với công lao nổi bật của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như thế, một người tham gia từ kháng chiến chống Pháp, rồi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, luôn luôn ở trong chiến trường nóng bỏng và cũng có những đột xuất trong lãnh đạo chỉ huy của mình, ví dụ như là trong năm 1973 sau Hội nghị Paris, hoặc là trong Tổng tiến công, vai trò to lớn của ông trong Bộ Tư lệnh miền, thì ông cũng là người xứng đáng.

"Còn theo tôi biết cũng không phải một mình ông được phong Tướng, cũng có một vài Trung tướng khác, họ đều là những người nổi bật cả, đều là những người từ những chiến trận rất khó khăn và lập được những công lao to lớn... Ông Đồng Sỹ Nguyên cũng là một người được phong Trung tướng đợt ấy," nhà nghiên cứu lịch sử quân sự từ Bộ Quốc phòng Việt Nam nói với Quốc Phương của BBC News Tiếng Việt.

Xem thêm: