Biểu tình hạ bệ thủ tướng Armenia chưa dứt

Yerevan

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Biểu tình kéo dài ở Yerevan và một số thành phố tại Armenia gây khủng hoảng chính trị cho quốc gia hậu Xô Viết

Khủng hoảng chính trị ở Armenia chưa chấm dứt với hàng chục nghìn người biểu tình đã xuống đường hôm 25/04 mặc dù thủ tướng Serzh Sarkasian đã từ chức.

Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có 3 triệu dân rơi vào khủng hoảng sau nhiều ngày người dân biểu tình ở Yerevan, đòi chống tham nhũng và buộc đảng Cộng hòa Armenia phải nhượng quyền lực.

Người biểu tình vỗ tay, huýt sáo, đánh trống, gõ nồi và bấm còi xe hơi để ủng hộ dân biểu đối lập Nikol Pashinyan, 42 tuổi.

Cảnh sát Armenia không can thiệp vào cuộc xuống đường hôm thứ Tư và phái biểu tình nói họ sẽ tiếp tục tuần hành trong những ngày tới, chừng nào đảng cầm quyền phải nhượng quyền.

Được biết ngoài Yerevan thì tại hai đô thị khác, Gyumri và Vanadzor, cũng có biểu tình, gây tê liệt giao thông.

Ông Serzh Sarkasian đã phải từ chức thủ tướng sau 11 ngày có biểu tình.

Armenia dưới thời ông Serzh Sarkasian là đồng minh của Moscow và là nước có căn cứ quân sự của Nga.

Trước khi lên làm thủ tướng, ông Serzh Sarkasian cũng đã làm tổng thống Armenia.

Thủ tướng đã từ chức

Hiện nay Phó Thủ tướng thứ nhất Karen Karapetyan đang tạm giữ quyền điều hành chính phủ.

Nhưng ông Karapetyan cũng bị một số người biểu tình phản đối.

Thủ tướng tạm quyền vốn từng là quan chức cao cấp của Gazprom, tập đoàn dầu khí Nga và cũng từng giữ chức thủ tướng khi ông Serzh Sarkasian làm tổng thống.

Chính việc luân chuyển các chức vụ cao nhất này trong tay vài nhân vật chính của đảng cầm quyền bị phe đối lập lên án.

Karapetyan cũng bị một số người biểu tình phản đối

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Karen Karapetyan, thủ tướng tạm quyền cũng bị một số người biểu tình phản đối

Họ đòi thay đổi toàn bộ bộ máy cầm quyền.

Quốc hội Armenia tuyên bố hôm 26/05 rằng họ sẽ bầu chọn tân thủ tướng vào ngày 01/05 tới đây.

Lãnh đạo đối lập Nikol Pashinyan được phe đối lập để cử ra tranh chức thủ tướng.

Hamazasp Danielyan viết trên trang của Freedom House về tình hình Armenia rằng ban lãnh đạo nước cộng hòa thời gian qua đã áp dụng một chiến thuật 'nước đôi'.

Một mặt, họ làm dư luận thỏa mãn bằng cách hạ bệ khá nhiều quan chức trong bộ máy quốc phòng, an ninh bị cáo buộc 'tham nhũng'.

Mặt khác, họ cho bắt ông Jirayr Sefilian, lãnh tụ của phe đối lập và buộc tội ông "chuẩn bị đảo chính".

Dù nhóm của ông Sefilian không phải là tổ chức đối lập lớn nhất nhưng việc bỏ tù họ cùng việc bắt các nhóm cực đoan tạo ra bất cứ cảm giác ai phản đối chính quyền cũng là 'cực đoan'.

Thay đổi hiến pháp năm 2017 để đưa Armenia từ chế độ tổng thống chế bán phần sang chế độ đại nghị đã không làm các vấn đề của nước này giảm đi.

Tranh chấp lãnh thổ kéo dài với láng giềng Azerbaijan cũng tạo ra không khí căng thẳng thường trực tại Armenia.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin trong tuần đã tuyên bố Nga không can thiệp vào tình hình Armenia và kêu gọi các bên "kiềm chế".