Cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu qua đời

Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư từ 1997 đến 2001

Thông tin từ Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho hay ông Lê Khả Phiêu, cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, qua đời vào sáng sớm 7/8.

Cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu mất ở tuổi 89 vào hồi 2 giờ 52 ngày 7/8 tại Hà Nội sau một thời gian lâm bệnh.

Thông tin về tang lễ sẽ được công bố sớm.

Ông Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ông từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong quân đội, từng là cán bộ Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và được thăng quân hàm thượng tướng năm 1992.

Ông được bầu làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa VIII) và là đại biểu Quốc hội khóa X.

Báo chí Việt Nam cho biết "trên cương vị là tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12-1997 - 4-2001), ông đã cùng tập thể Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông Lê Khả Phiêu cũng đã trải qua sóng gió và gây nhiều tranh cãi.

Việc ông Phiêu không muốn cải tổ doanh nghiệp nhà nước cùng với những tuyên bố về ý thức hệ của ông khiến ông được liệt vào hàng "bảo thủ".

Trong thời gian ông giữ cương vị lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều diễn biến bất lợi đã xảy ra, trong đó có bất ổn ở Tây Nguyên vào năm 2001 cũng như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm trước đó.

Ông bị cáo buộc là người có quá nhiều tham vọng quyền lực, bao gồm ý định nắm cả chức tổng bí thư và chủ tịch nước.

Ông Phiêu được đánh giá là người trong sạch, nhưng theo nhiều nhà quan sát và các chỉ trích từ trong nội bộ, ông chịu tai tiếng với việc bổ nhiệm quá nhiều đồng hương Thanh Hóa, dẫn đến cáo buộc bè phái.

Ông cũng bị cáo buộc đã dùng tình báo quân đội để theo dõi các thành viên khác trong Bộ Chính trị.

Trong sách Bên thắng cuộc của nhà báo Huy Đức, tác giả cho biết:

"Ông Lê Khả Phiêu giữ chức tổng bí thư được ba năm. Trong ba năm đó ông luôn chứng tỏ sự vững vàng, kiên định lập trường của mình.

Nhưng những nỗ lực của ông trước hết lại bị chính các ông cố vấn sử dụng như một lý do để chống lại ông. Thái độ "kiên định" trước Tổng thống Bill Clinton rồi sẽ bị các cố vấn phê bình là cứng nhắc. Trước Đại hội Đảng lần thứ IX (4-2001) ông Lê Khả Phiêu đã bị cả ba ông cố vấn hiệp sức ép ông phải rời chính trường."

Uy tín ông Lê Khả Phiêu giảm sút mạnh. Ban cố vấn, gồm ông Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh, đã đồng ý hợp tác để gây sức ép buộc ông Phiêu ra đi. Vào tháng 10/2000, các cố vấn đã ký tên vào một lá thư phê phán Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Giới quan sát đánh giá rằng sai lầm của ông Phiêu là việc ông muốn bãi bỏ chức cố vấn mà quên rằng những nhân vật này có thể liên kết với nhau để bảo đảm vị trí chính trị.

Sách của tác giả Huy Đức dẫn lời ông Vũ Quốc Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, người được giao thẩm tra các sai phạm của ông Lê Khả Phiêu, cho biết: "Đầu năm 2001, Bộ Chính trị họp chuẩn bị Đại hội IX, chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ đi họp về nói, Bộ Chính trị đang kiểm điểm anh Phiêu gay gắt nhiều chuyện: vấn đề Campuchia, quan hệ nam nữ, vô nguyên tắc khi ra Quyết định 234, ngành tình báo lâu nay chỉ nắm địch, nay được theo dõi nội bộ, gặp Giang Trạch Dân, đi không hỏi, về không trình. Từ đó, Ủy ban Kiểm tra phải vào cuộc, họp cả ngày cả đêm. Trong khi Bộ Chính trị vẫn cứ họp. Ông Phạm Thế Duyệt, ủy viên thường trực Thường vụ Bộ Chính trị, thường xuyên gọi tôi sang, dặn: phải có trách nhiệm với Đảng, phải khách quan, không chịu áp lực của mấy ông cố vấn".

Đến tháng 4/2001, Bộ Chính trị bỏ phiếu với tỉ lệ 12/6 đồng ý để ông Phiêu ở lại đến năm 2003. Nhưng ngày 17/4, tại buổi họp của các đại biểu ngay trước lúc chính thức khai mạc Đại hội IX, Ban chấp hành trung ương đã đảo ngược quyết định của Bộ Chính trị và bỏ phiếu chấm dứt chức vụ Tổng bí thư của ông Lê Khả Phiêu. Sau đó, ông Nông Đức Mạnh lên thay thế.

Tư liệu trong sách của tác giả Huy Đức dẫn lời cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tiết lộ về Hội nghị Trung ương 12:

'Khi Trung ương bỏ phiếu, số người đồng ý cho ông Lê Khả Phiêu nghỉ chỉ chiếm 50,5%, số không đồng ý là 49,5%, trong khi có năm ủy viên Trung ương vắng họp.

Ông Phiêu không tâm phục khẩu phục mà những người ủng hộ ông Phiêu cũng không tâm phục khẩu phục. Chúng tôi cũng lo ngại rằng ra đại hội sẽ lộn xộn. Trong Bộ Chính trị thì còn phân hóa. Ông Phiêu lại đang nắm quân đội. Tôi bàn với anh Phạm Thế Duyệt cho bỏ phiếu lại. Bộ Chính trị đồng ý. Các ông cố vấn phản đối nhưng chúng tôi kiên quyết làm.

Thực ra khi đó đánh giá tình hình, bỏ phiếu lại thì ông Lê Khả Phiêu chỉ mất thêm phiếu.

Đưa ra Trung ương cũng bàn cãi mãi thì Trung ương mới biểu quyết đồng ý cho bỏ phiếu lại. Ngày 18-4-2001, Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu lại, ông Phiêu chỉ còn một số phiếu rất thấp. Ông chấp nhận."

Sau khi rời cương vị, ông Lê Khả Phiêu có một vài lần khiến truyền thông chú ý, trong đó có lần ông tiếp đoàn đồng hương Thanh Hóa tới chúc Tết vào tháng 1/2009. Nhiều hình ảnh được phát tán sau đó cho thấy tư dinh của ông có treo hình các lãnh tụ Cộng sản, tượng Phật, bày ngà voi, trống đồng, trồng rau sạch trên sân thượng.

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều thông tin và đánh giá khác nhau về ông. Nhà báo Hoàng Hải Vân cho biết ông Lê Khả Phiêu từng phát biểu rằng: "Bộ trưởng không nhất thiết phải đảng viên". Lời này đã được Báo Thanh Niên lấy làm tít một bài báo lớn. Ông còn nói, Phó Thủ tướng cũng không nhất thiết phải đảng viên.

Nhà báo Hoàng Hải Vân nhận định: "Mặc dù dư luận hiện nay cũng như các nhà viết sử sau này có thể có những đánh giá khác nhau về vị Tổng Bí thư này, nhưng tôi tin rằng nếu như ông còn làm thêm một nhiệm kỳ nữa thì Đảng Cộng sản Việt Nam không đến nỗi tiếp tục 'đóng cửa' đối với các nhân tài ngoài Đảng".