Bàn khả năng hoãn hoặc sửa Luật An ninh mạng

Việt Nam, biểu tình

Nguồn hình ảnh, Bau Nen Mong Hga

Chụp lại hình ảnh, Bất ổn tại Việt Nam tuần qua liên quan đến việc dân phản đối Luật An ninh mạng và dự Luật đặc khu khiến VN Index lao dốc

Có ý kiến luật sư cho rằng việc hoãn thi hành hoặc sửa đổi một số điều không phù hợp của Luật An ninh mạng là điều khả thi.

Trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải cho hay việc hoãn thi hành hoặc sửa một bộ luật được thông qua đã có tiền lệ.

Gần đây nhất là Bộ Luật Hình sự 2015 được Quốc Hội thông qua ngày 20/6/2015, nhưng đến 30/6/2016 Quốc Hội ra nghị quyết hoãn thi hành, sau đó có sửa đổi. Đến 1/1/2018 thì luật chính thức có hiệu lực.

Trước đó có Luật Bảo hiểm Xã hội từng vấp phải phản đối của giới công nhân do có một điều khoản cho rằng họ không được phép nhận bảo hiểm xã hội một lần sau khi rời khỏi doanh nghiệp.

Sau đó Quốc Hội đã ngưng việc thực thi luật này, đẩy việc thi hành luật Bảo hiểm Xã hội sau một vài năm.

Kiến nghị từ Việt Nam

Luật sư Trần Vũ Hải cho BBC hay có nhiều cách để người dân đề xuất việc hoãn hoặc sửa đổi một điều luật

"Thông thường những người bị ảnh hưởng nhất, hoặc các chuyên gia nhận thấy có nhiều sai sót sẽ đề xuất lên, và Ủy ban Pháp luật và các ủy ban chuyên ngành của Quốc Hội sẽ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, sau đó có thể trình Quốc Hội."

"Tất nhiên ở Việt Nam còn có Đảng lãnh đạo nên đại biểu Quốc Hội còn phải xin ý kiến của Bộ Chính trị. Tôi nghĩ rằng sẽ có những đề xuất gửi lên, từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó ban Thường vụ Quốc Hội tham khảo hoặc theo chỉ thị của Bộ Chính trị họ sẽ đề nghị Quốc Hội ngừng việc thi hành," luật sư Hải nói.

Ông Hải nói đối tượng bị ảnh hưởng nhất bởi Luật An ninh mạng, như các doanh nghiệp, các chuyên gia về an ninh mạng, hội luật gia, liên đoàn luật sư, hội nhà báo, cần lên tiếng mạnh mẽ.

"Chuyên gia các cơ quan công nghệ thông tin nói với tôi rằng việc áp dụng luật này sẽ khiến đường truyền bị chậm đi hàng chục lần. Rõ ràng ảnh hưởng đến dịch vụ của họ. Do đó tôi nghĩ rằng Hiệp hội Công nghệ Thông tin nên là đầu mối để yêu cầu lùi thi hành luật này để sửa đổi bổ sung cho phù hợp."

"Nếu vậy tôi tin rằng cũng có thể Quốc Hội sẽ xem xét để hoãn luật này, hoặc đề nghị cách sửa đổi cho thích hợp, hoặc chưa thi hành một số điều khoản," ông Hải cho hay.

Trước đó, trên Facebook cá nhân, ông Hải cho rằng hiện Việt Nam và EU vẫn chưa hoàn tất thủ tục ký Hiệp định thương mại tự do - EU EVFTA nên chắc chắn Luật An ninh mạng sẽ bị đối tác EU (và những đối tác quan trọng khác) soi kỹ.

"Nếu luật ANM phải sửa đổi do áp lực trong nước, sẽ chứng tỏ Việt nam độc lập, tự chủ hơn nhiều so với việc phải sửa do áp lực từ bên ngoài. Chắc các nhà lãnh đạo Việt nam cũng sẽ nhất trí quan điểm này", luật sư Hải viết.

Việt Nam, biểu tình

Nguồn hình ảnh, Bau Nen Mong Hga

Tận dụng tiếng nói quốc tế

Trong khi đó, luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC rằng ông không tin vào tính khả thi của tiếng nói trong nước một khi Bộ Chính trị đã quyết.

Theo ông Tuấn, liên quan đến việc phản đối Luật An ninh mạng, truyền thông trong nước hoàn toàn im lặng trong khi truyền thông lề trái có vẻ lép vế.

Ông Tuấn cũng cho rằng những tiếng nói phản kháng trên mạng xã hội chỉ là phần nổi nhìn thấy được, còn cả triệu người dân không lên tiếng.

"Có thể do liên quan đến an ninh quốc gia, chính trị, nên nhiều người sợ đụng chạm. Do đó trừ phi có một cuộc trưng cầu dân ý chúng ta mới có bức tranh toàn cảnh ai chống, ai ủng hộ một cách khách quan."

Ông Tuấn nói những kiến nghị phản đối nhỏ lẻ của một số ít luật sư và các hiệp hội trong nước đều rơi vào hư không.

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Vũ Đức Khanh

Chụp lại hình ảnh, Thư ngỏ của Đảng Dân chủ VN tại Canada gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kêu gọi hủy bỏ hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng

"Khi Chủ tịch nước chưa ký thì luật còn chưa có hiệu lực. Căn cứ theo luật, Hiến pháp, nếu phát hiện ra sai sót, thiếu sót nào trong luật, người dân vẫn có quyền đề xuất sửa đổi. Nhưng có sửa đổi không không phụ thuộc vào ý chí của người dân," ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nói việc cộng đồng ký các bản kiến nghị lên Chủ tịch nước có thể là không hiệu quả, và không đúng trình tự pháp luật. Bởi theo luật, đại biểu Quốc Hội là đại diện cao nhất cho tiếng nói của người dân.

Trong bối cảnh đó, luật sư Tuấn cho rằng nên vận động tầm quốc tế thì giá trị hơn, ví dụ như tham gia vào các công ước quốc tế về nhân quyền, kinh tế, tự do thương mại.

"Các nhóm xã hội dân sự phát triển khá mạnh dù không được thừa nhận. Họ có thể tập hợp và góp tiếng nói, ký các bản kiến nghị chung để gửi các cơ sở ngoại giao và các tổ chức quốc tế khác. Hoặc phát biểu tại các hội nghị quan trọng với các tổ chức nước ngoài để họ góp ý tới chính phủ Việt Nam."

Cũng theo luật sư Tuấn, cho dù có hay không có Luật An ninh mạng thì quyền lợi của người dân trên thực tế vẫn đang bị xâm phạm. Nên có thêm một Luật An ninh mạng nữa thì người dân vẫn nên làm việc, hoạt động bình thường. Muốn tố cáo vẫn tố cáo như xưa. Bởi từ xưa cũng đã có các văn bản khác trói buộc họ rồi.

'Những tiếng nói thưa thớt'

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, OTHER

Trong bản kiến nghị của một số luật sư gửi tới đại biểu Quốc Hội đề nghị không biểu quyết thông qua dự luật An ninh mạng, mà luật sư Ngô An Tuấn gọi là 'những tiếng nói thưa thớt', có tên của 74 luật sư. Luật sư Trần Vũ Hải là người ký đại diện.

Luật sư Hải cho hay bản kiến nghị này 'chất lượng' nhưng đáng tiếc là gửi chậm.

"Cuối ngày 11/6 thì văn bản đó mới được gửi đi. Trong đó sáng 12/6 Quốc Hội đã thông qua nên có lẽ rất nhiều đại biểu không kịp tiến cận với kiến nghị này."

Kiến nghị của một số hiệp hội khác, như Hiệp hội Công nghệ Thông tin truyền thông cũng được cho là gửi chậm.

Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cũng có thư ngỏ ký ngày 11/6 gửi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhân sự kiện ông Phúc tham gia thượng đỉnh G7 tại Quebec.

Trong thư ngỏ, luật sư Khanh đại diện Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada, bày tỏ "lo ngại quan ngại sâu sắc về hậu quả khôn lường mà hai dự luật [An ninh mạng và Đặc khu] mang đến cho đất nước, nếu Quốc Hội ban hành qua áp đặt", và tin rằng Thủ tướng đã có quyết định kịp thời "ngăn chặn và loại bỏ hoàn toàn hai dự luật trên".

Còn cộng đồng mạng trước đó kêu gọi ký vào bản Kiến nghị phản đối dự thảo Luật An ninh mạng, và nay là Kiến nghị Chủ tịch nước không ký lệnh công bố Luật An ninh mạng, Change.org

Định nghĩa về an ninh mạng

Theo các báo Việt Nam đưa tin về phiên bỏ phiếu, an ninh mạng được định nghĩa là "sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Godong

Chụp lại hình ảnh, Việt Nam đang có hàng chục triệu người dùng điện thoại thông minh và các ứng dụng đa số của những tập đoàn Phương Tây

"Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này", theo VnExpress hôm 12/06.

Cũng các báo Việt Nam cho hay, Thường vụ Quốc hội nước này thông báo rằng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng đã được tổ chức, bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng,

Còn ở các bộ, ngành khác và địa phương chỉ quy định bố trí lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Hôm đầu tháng 6/2018, các ý kiến từ Việt Nam phản ánh ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về an ninh mạng "cần phải tường minh để tránh nguy cơ áp dụng tuỳ tiện", và tránh "hạn chế quyền công dân".