Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 vào ngày 8/3

Vaccines arriving in VN on 24 Feb

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Lô vaccine đầu tiên về tới TP HCM hôm 24/2. Đây là vaccine của Oxford/AstraZeneca

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dự kiến những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam vào ngày 8/3.

Theo thông tin của Bộ Y tế, hơn 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về Việt Nam ngày 24/2 và được xuất xưởng sau các cuộc làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc.

Theo kế hoạch, ngày 6/3, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, tập huấn toàn quốc về tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vaccine, cũng như xử lý tai biến sau tiêm...

Dự kiến, trong tháng 4 Việt Nam sẽ nhận thêm khoảng 1,3 triệu liều vaccine từ Covax.

Theo kế hoạch, ngày 8/3, người dân Việt Nam trong đối tượng ưu tiên sẽ được tiêm ngừa. Vaccine được triển khai tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, ưu tiên những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân; tập trung cho 13 tỉnh có dịch, trong đó ưu tiên nhất cho Hải Dương...

Những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine...

Trước đó, ngày 2/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19, "với tinh thần vắc xin + 5K, không được chủ quan". Đặc biệt là tiến hành truy vết, khoanh vùng thần tốc hơn nữa, kiểm soát dịch tốt tại Hải Dương.

Linh Pham/Getty Images

Nguồn hình ảnh, Linh Pham/Getty Images

Đặc biệt đã có 8 ca bệnh Covid-19 mới ghi nhận trong các ngày 28/2, 1/3 và 3/3 ở Hải Dương là các ca F1 đã được cách ly từ 1 tháng trước đó. Tình hình dịch bệnh ở đây vẫn được xem còn phức tạp.

Theo thông tin của nhà sản xuất, vaccine của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vaccine AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2.

Về tính hiệu quả trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Phải khẳng định tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%. Không để tâm lý vaccine giải quyết được hết các vấn đề mà phải tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch".

Từ ngày 5/3, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một vaccine Covivac. Cách thức đăng ký là có thể đến trực tiếp Đại học Y Hà Nội, qua điện thoại, thư điện tử hoặc website.

Ai được ưu tiên?

Việt Nam ưu tiên 11 nhóm đối tượng gồm:

  • nhân viên y tế
  • người tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...)
  • nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
  • lực lượng công an
  • lực lượng quân đội
  • người trên 65 tuổi
  • nhóm cung cấp các dịch vụ thiết yếu
  • người có nhu cầu lao động, học tập ở nước ngoài
  • người mắc các bệnh mãn tính
  • người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ
  • giáo viên

Ở các nước khác như Anh Quốc, các nhóm ưu tiên được xác định dựa trên nguy cơ tử vong và mắc bệnh nặng phải vào viện. Các nhóm tiếp theo được xếp theo độ tuổi: trên 75; trên 70 và những người có bệnh nền với nguy cơ lâm sàng cao; trên 65; trên 60; trên 55 và trên 50.

Còn xét về ngành nghề, ở Anh, chỉ duy nhất có nhân viên y tế, xã hội và chăm sóc người già được ưu tiên. Trong khi đó ở Việt Nam,quân đội, công an, giáo viên, nhân viên ngoại giao, hải quan... cũng nằm trong danh sách các nhóm ưu tiên.

Về điểm này, BS Hoàng Tú Anh nhận xét với BBC hồi 24/2 rằng Việt Nam chống dịch khác ở nhiều nước khác, lực lượng quân đội và công an tham gia rất nhiều vào công tác phòng chống dịch, cụ thể là ở các điểm cách ly tập trung, điều không có ở các nước châu Âu, .

"Ngoài một số điểm cách ly dân sự, các điểm của quân đội được huy động rất nhiều. Chằng hạn, khi các điểm cách ly dân sự ở Hải Dương vừa rồi có gặp vấn đề, thì lực lượng quân đội lại được huy động tiếp. Tính kỷ luật cũng như công tác quản lý của quân đội rất tốt và chặt chẽ, vì vậy họ giúp được rất tốt cho các điểm cách ly.", BS Hoàng Tú Anh nhận định.

Các lực lượng này có quân số lên tới hàng triệu người, nhưng những người trực tiếp tham gia chống dịch và ở những địa phương có dịch sẽ được ưu tiên trước, theo Quyết định 1210 của Bộ Y tế Việt Nam.

Vaccine của Việt Nam thế nào?

Theo Bộ trưởng, việc đảm bảo đủ vaccine rất khó khăn. Giới chức y tế cho hay vaccine Covid-19 "made in Việt Nam" ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, tự chủ, làm nền tảng để phát triển vaccine đối phó các chủng virus corona khác trong tương lai.

Các chủ trương của Bộ Y tế trong việc xúc tiến phát triển vaccine cũng cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu vaccine Covid-19 ở Việt Nam.

Hồi 10/12/2020, vaccine Nanocovax do Nanogen sản xuất đã được tiêm thử trên người, hiện đã bước sang thử nghiệm giai đoạn hai.

Ngoài Công ty Nanogen, Việt Nam còn có 3 đơn vị sản xuất nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 gồm: Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac).

Covivac của IVAC hiện là vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng trên người. Dự kiến tiêm mũi thử đầu tiên thực hiện vào giữa tháng 3.

Đơn vị Vabiotech đã chuẩn bị nộp hồ sơ thử nghiệm lâm sàng.

Với đơn vị sản xuất Polyvac, Bộ Y tế cho biết đang yêu cầu đơn vị này tiếp tục hợp tác với Nga và "chủ động liên hệ với Trung Quốc để có thể tiếp cận với vắc xin của quốc gia này".