Nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch, 69 tuổi, lãnh án 12 năm tù

  • Mỹ Hằng
  • BBC News Tiếng Việt
Nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch trong phiên sơ thẩm ngày 15/12/2020

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch trong phiên sơ thẩm ngày 15/12/2020

Phiên sơ thẩm xét xử nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch diễn ra trong nửa ngày 15/12 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An, với mức án 12 năm tù giam, ba năm quản chế về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Năm 2009, ông Trần Đức Thạch từng chịu án tù ba năm về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

"Ông Thạch vô tội. Các cơ quan tố tụng không có căn cứ kết tội ông," luật sư Hà Huy Sơn nói với BBC Tiếng Việt từ Nghệ An, ngay sau kết thúc phiên tòa.

Cựu chiến binh, cựu tù nhân chính trị Trần Đức Thạch bị công an Việt Nam bắt ngày 23/4/2020.

Vợ ông Thạch, bà Nguyễn Chương, nói với BBC qua điện thoại, ngay sau phiên tòa rằng gia đình bà 'rất tức giận vì bản án bất công'. Bà nói chồng bà chỉ đòi tự do, dân chủ chứ không làm gì 'lật đổ chính quyền' và bà không công nhận bản án này.

Bà Chương cũng cho biết ông Thạch đang có nhiều bệnh, từ khi ngồi tù lại bị thêm cao huyết áp. Ông Thạch lẽ ra đã ra tòa từ 30/11 nhưng ngã bệnh phải nằm viện đúng thời gian đó, tuy nhiên trại giam đã 'không cho gia đình biết'. Với án tù 12 năm ông Thạch có lẽ 'không về nhà được nữa rồi', bà Chương nói.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ mà ông Thạch là thành viên, viết trên Facebook cá nhân rằng việc tuyên án ông Thạch là "tội ác", và "yêu cầu trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho ông Trần Đức Thạch và tất cả các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị đang bị giam cầm".

Ngay sau khi bản án được tuyên, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) phát biểu trong một tuyên bố gửi cho báo chí:

"Đến bao giờ Việt Nam mới nhận ra rằng những công dân như Trần Đức Thạch cần được tôn vinh vì cam kết cải cách và bảo vệ các quyền con người của họ, chứ không bị bắt bớ vì vạch ra những thiếu sót trong chính phủ và xã hội?"

'Dấn thân vì dân chủ không phải là tội'

Nhà thơ Trần Đức Thạch

Nguồn hình ảnh, FB Tran Duc Thach

Theo tường thuật của luật sư Hà Huy Sơn, trước tòa ông Thạch rất điềm tĩnh, minh mẫn, dù sức khỏe không tốt. Gửi lời cám ơn đến những người quan tâm đến vụ án của mình, ông Thạch nói:

"Với sự minh triết của người dân xứ Nghệ, tôi xác định phiên tòa này là những nốt nhạc cuối của bản hùng ca, bi tráng của cuộc đời tôi. Nó sẽ không kết thúc tại đây mà nó nó sẽ ngân nga mãi theo thời gian, theo dòng chảy lịch sử của người dân nước Việt, của những người yêu và hy sinh cho sự công chính."

"Tôi rất tự hào vì được cùng anh chị em dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của Việt Nam và sự nghiệp chống Trung Quốc thao túng, xâm lược Việt Nam. Tôi vinh dự là người dân xứ Nghệ, người dân nước Việt Nam. Dấn thân vì dân chủ không phải là tội."

Ông Thạch cho biết ông sẽ kháng cáo.

'Án nặng, không có bằng chứng'

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 15/12, luật sư bào chữa cho ông Trần Đức Thạch, ông Hà Huy Sơn, nói:

"Các vụ án có tính chất chính trị thường có chỉ đạo từ trước, chứ không liên quan gì nhiều đến tình tiết của vụ án. Tòa chủ yếu phụ thuộc vào thái độ. Nghĩa là xem bị can, bị cáo có khuất phục không. Nếu có thì mức án thấp còn không thì mức án cao để răn đe."

"Phiên tòa công khai nhưng thực chất chỉ có một hai người nhà được vào thôi chứ không có người dân nào quan tâm được vào cả."

Nhà thơ Trần Đức Thạch

Nguồn hình ảnh, FB Tran Duc Thach

"Tại phiên tòa, quan điểm của tôi là ông Thạch vô tội. Mức án 12 năm tù 3 năm quản chế dành cho ông Thạch là nặng. Thứ nhất, ông là cựu chiến binh, có đóng góp trong chiến tranh. Nhưng tòa không ghi nhận đóng góp trong chiến đấu của ông với lý do là họ không có hồ sơ."

"Họ truy tố hành vi của ông Thạch theo các điều luật trong Bộ Luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018. Nhưng người ta vẫn lấy những hành vi trước đó của ông Thạch liên quan đến Hội Anh Em Dân Chủ, mà hội này đã bị bắt từ năm 2015 rồi. Tức là về mặt tố tụng tòa truy tố những hành vi nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Hình sự."

"Thứ hai là các chứng cứ buộc tội chủ yếu dựa trên lời khai của ông Thạch, chứ không có bằng chứng vật chất nào về việc ông âm mưu lật đổ chính quyền. Các bài viết của ông mà cơ quan điều tra cho rằng có nội dung tuyên truyền chống nhà nước thì không thuộc khách thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền."

"Ngoài ra, cơ quan điều tra cáo buộc ông đa nguyên, đa đảng, cổ súy kinh tế tư nhân. Trong khi hiến pháp và bộ luật hình sự không có chỗ nào cấm đa nguyên đa đảng. Và nhà nước và Đảng CSVN cũng rất ghi nhận kinh tế tư nhân. Vậy tại sao các cơ quan tố tụng lại cho việc ông ủng hộ kinh tế tư nhân là phạm tội?"

Tran Duc Thach

Nguồn hình ảnh, FB Tran Thanh Nghien

"Với những quan điểm như vậy tội cho rằng không có căn cứ kết tội ông Thạch."

Cũng theo luật sư Sơn, thẩm phán Chủ tọa Trần Ngọc Sơn, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, không cho ông được chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án. Việc này theo ông Sơn là vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Tổ chức nhân quyền nói gì?

Phát biểu trong thông cáo gửi đi ngày 15/12, ông Phil Robertson nói: "Là một cựu chiến binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Việt Nam, Trần Đức Thạch đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu vì chính quyền mà giờ đây buộc tội ông vì nói lên suy nghĩ và thực hiện quyền của mình."

"Khởi tố những người như Trần Đức Thạch làm cho Việt Nam yếu đi chứ không mạnh lên. Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam nên ngừng im lặng trước những vi phạm nhân quyền của Việt Nam và yêu cầu chấm dứt đàn áp những người thực thi quyền của họ. "

Hồi cuối tháng 11, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch - HRW) cũng lên tiếng về trường hợp của nhà thơ Lê Đức Thạch.

Ông John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của HRW phát biểu: "Chính phủ Việt Nam muốn trừng phạt Trần Đức Thạch vì ông đã có các hoạt động thúc đẩy nhân quyền và công lý, cho rằng việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của ông là một tội ác. Các chính phủ khác nên nêu lên mối quan ngại của họ trước phiên tòa xét xử ông và kêu gọi trả tự do cho ông."

"Các tòa án của Việt Nam nên làm việc để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các quyền con người khác, chứ không phải thực thi quyền lực độc tôn của Đảng Cộng sản," Sifton nói. "Trần Đức Thạch sẽ không được xét xử công bằng vì Việt Nam không có nền tư pháp độc lập và công bằng".

Sau khi Trần Đức Thạch bị bắt, giới chức không cho phép ông gặp luật sư cho đến ngày 5/11, và sau đó chỉ cho phép gặp luật sư dưới sự giám sát của cảnh sát. Luật sư của ông, Hà Huy Sơn, nói với báo chí rằng ông thậm chí không được chụp lại bản cáo trạng của Trần Đức Thạch, mà chỉ được chép lại.

Báo Việt Nam nói gì?

Theo TTXVN, từ tháng 3/2013 đến tháng 7/2017, ông Thạch cùng một số thành viên Hội Anh Em Dân Chủ đã "khởi xướng, thành lập tổ chức, xây dựng cương lĩnh, điều lệ, quy chế hoạt động và chỉ đạo, điều hành hoạt động", "lập Văn phòng đại diện, địa chỉ Website để hoạt động, xây dựng "Cương lĩnh vắn tắt", có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, chiến lược đối nội, đối ngoại, lợi dụng việc đấu tranh cho "dân chủ, nhân quyền", "xã hội dân sự" để che dấu mục đích hoạt động chống chính quyền; liên kết với các tổ chức bất hợp pháp trong nước và nước ngoài với mục đích khi lực lượng đủ mạnh, chờ thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu chính quyền, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân."

Những người cùng tham gia với ông Thạch gồm Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển đều đã và đang bị tù với tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Ông Thạch dù đã cam kết bỏ Hội Anh Em Dân Chủ, nhưng vẫn "quyết tâm phạm tội đến cùng" bằng cách đăng tải nhiều bài viết "xuyên tạc các sự kiện kinh tế, chính trị xã hội; bôi nhọ, xúc phạm các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại trang Facebook "Trần Đức Thạch", "thể hiện tư tưởng chống phá".

Hội đồng Xét xử cho rằng hành vi phạm tội của ông Thạch là "nguy hiểm cho xã hội", "xâm phạm đến sự thống nhất về nền tảng tư tưởng chính trị do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo."

Trần Đức Thạch là ai?

Theo tài liệu của HRW, Trần Đức Thạch, 69 tuổi, quê Nghệ An, đã viết hàng trăm bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, và nhiều bài báo, hầu hết đều lên án nạn tham nhũng, bất công và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Là một cựu chiến binh của Giải phóng quân, ông cũng là thành viên của Câu lạc bộ Nhà văn Nghệ An. Cuốn tiểu thuyết năm 1988 của ông, Đôi bạn tù, "đã mô tả bản chất độc đoán của hệ thống luật pháp Việt Nam và những điều kiện vô nhân đạo trong các nhà tù Việt Nam". Hay tập thơ 'Những điều chưa kể' viết về cuộc sống thiếu tự do và công lý.

Cuốn hồi ký ngắn của ông, 'Hố chôn người ám ảnh', kể lại câu chuyện về vụ giết hại hàng loạt dân thường của bộ đội miền Bắc tại ấp Tân Lập, tỉnh Đồng Nai vào tháng 4/1975 mà ông đã chứng kiến.

Chính quyền đã nhiều lần sách nhiễu ông kể từ năm 1975. Năm 1978, để phản đối việc bị ngược đãi, ông Thạch được cho là đã tự thiêu và bị bỏng nặng. Năm 2008, ông tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bị bắt vào tháng Chín năm đó. Ông bị cáo buộc đã viết "nhiều bài báo xuyên tạc sự thật, vu cáo, bôi xấu đảng và nhà nước, đăng trên tạp chí Tổ Quốc", một bản tin bất đồng chính kiến. Tháng 10/2009, một tòa án tuyên ông phạm tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của bộ luật hình sự. ông bị kết án ba năm tù.

Sau khi mãn hạn tù năm 2011, Trần Đức Thạch lại tiếp tục chỉ trích Đảng và nhà nước. Ông tham gia Hội Anh em vì Dân chủ vào tháng 4/2013. Vào 23/4/2020, công an đã bắt ông tại tỉnh Nghệ An và buộc tội oông "thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 109 của bộ luật hình sự. Trần Đức Thạch là thành viên thứ 10 của Hội Anh em Dân chủ bị bắt trong những năm gần đây.